Dù tháng 4 cả nước nhập siêu ước 400 triệu USD, bằng 3,3% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu khoảng 683 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu gần 4,1 tỷ USD.
Tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác tháng 4 do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 5/5, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,2 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng 3 và tăng 23,2% so với tháng 4 năm 2013.
Tuy nhiên, lũy kế 4 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 45,74 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013, kim ngạch nhập khẩu tăng 13,7%. Xuất siêu cả nước ước 683 triệu USD, bằng khoảng 1,5% kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là kết quả tích cực của hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm 2014. Trong đó, xuất khẩu của khối DN FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu (đóng góp hơn 70% kim ngạch tăng thêm).
Tỷ trọng của các nhóm hàng đã có sự thay đổi theo hướng tích cực giảm dần tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản, tăng dần nhóm hàng công nghiệp chế biến và nông lâm thủy sản.
Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 19,4% so với cùng kỳ. Đóng góp chủ yếu cho nhóm hàng này gồm các mặt hàng điện thoại và linh kiện, hàng dệt may, hàng giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có kim ngạch lớn và đều có tốc độ tăng trưởng trên 20%.
Đáng chú ý, đến thời điểm này đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện đạt 7,7 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước; dệt may đạt 5,9 tỷ USD, tăng 20%; giày dép đạt 2,8 tỷ USD, tăng 21,9%; thủy sản đạt 2,2 tỷ USD, tăng 32%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 2,1 tỷ USD, tăng 15%...
Đối với gạo, đến ngày 30/4 đã xuất khẩu được 1 triệu 751 nghìn tấn gạo, với giá trị 765 triệu USD, lượng giảm 18% và giá giảm khoảng 17%, giá xuất khẩu bình quân giảm 1,71 USD.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, tăng trưởng của nhóm hàng công nghiệp vẫn tăng cao, khoảng hơn 19% nhưng về tỷ lệ xuất khẩu mặt hàng công nghiệp những tháng đầu năm lại có xu hướng giảm, do đang là thời điểm "giao mùa" của một số mặt hàng lớn như dệt may, phải đến tháng 5-7 mới vào mùa. Ngoài ra, một số vấn đề khai hải quan điện tử, khiến hàng hóa ách tắc tại cảng, làm giảm tốc độ xuất khẩu chung.
Đối với mặt hàng gạo, Cục Xuất nhập khẩu đang tổng hợp ý kiến của các địa phương về vùng liên kết về gạo và vùng nguyên liệu. Thời gian tới Cục cũng có phương án báo cáo Phó Thủ tướng để xuất khẩu qua đường mòn lối mở sang Trung Quốc sao cho thuận lợi nhất.
Tại buổi họp giao ban, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đã yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp để trực tiếp thao gỡ khó khăn, trong đó tập trung mạnh vào các vấn đề về vốn, thủ tục hành chính và thị trường. Ngoài ra, tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; theo dõi sát tình hình và diễn biến giá cả hàng hóa thị trường thế giới.
Theo Báo Công Thương điện tử