Sáng nay (16-5-2014), Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố thông tin đón tàu NORTHERN GENIUS (Nhật Bản) tải trọng 54.020 DWT cập cảng SPCT qua luồng Soài Rạp. Đây là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của KCN Hiệp Phước nói riêng và sự phát triển hệ thống cảng biển khu vực nói chung, đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải biển của TP.HCM.
Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Ban QLDA đầu tư dự án luồng Soài Rạp cho biết ngày 20-4-2012, UBND TP đã phê duyệt dự án đầu tư “Nạo vét luồng Soài Rạp (Giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 2.797 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn tài trợ của Vương quốc Bỉ trị giá 76 triệu Euro và 624 tỷ đồng vốn đối ứng của ngân sách TP. Mục tiêu chính của dự án trong giai đoạn này là đầu tư nạo vét nâng cấp mở rộng luồng tàu và hệ thống phao tiêu báo hiệu đáp ứng yêu cầu thông qua tàu có tải trọng đến 30.000 DWT đầy tải và 50.000 DWT giảm tải ra vào cảng dọc trên sông Soài Rạp an toàn.
Ngày 1-4-2013, liên doanh nhà thầu DI-CMB đã đưa tàu vào nạo vét. Qua gần 14 tháng thực hiện, đến ngày 14-5-2014, khối lượng nạo vét đã đạt gần 12,4 triệu m3, đạt hơn 99% kế hoạch đề ra. Trên toàn tuyến từ KM0 đến KM54 đã cơ bản đạt theo như thiết kế. Hiện nay nhà thầu thi công chỉ còn thực hiện công tác rà soát làm sạch toàn tuyến. Dự kiến đến cuối tháng 5 sẽ hoàn thành công tác nạo vét và nghiệm thu công trình vào ngày 5-6-2014.
Ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết thêm, đáng lẽ đến tháng 6-2014 mới nghiệm thu và đưa vào sử dụng nhưng do nhu cầu vận chuyển hàng hóa vào các cảng khu vực Hiệp Phước của các hãng tàu quá cấp thiết nên ngày 17-2-2014, cảng SPCT đã có công văn đề nghị xem xét cho tàu có trọng tải trên 50.000 DWT sớm cập cảng SPCT. Ngày 18-2-2014, Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo Sở GTVT chủ trì đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để đưa luồng vào khai thác an toàn trong thời gia sớm nhất. Thực hiện chỉ đạo, Ban QLDA cùng các nhà thầu đã huy động tối đa lực lượng đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến nay đã cơ bản hoàn thành công trình theo đúng hồ sơ thiết kế. Việc đón tàu trên 50.000 DWT qua luồng Soài Rạp là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong phát triển cảng biển ở khu vực TP.HCM.
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Phó Tổng Giám đốc cảng SPCT cho biết thêm từ hơn 100 năm nay, luồng Lòng Tàu đã là thủy lộ chủ chốt kết nối giao thương giữa TP.HCM với thế giới và đóng vai trò lớn trong quá trình container hóa hàng hóa xuất nhẩp khẩu qua các TP. HCM. Tuy nhiên Luồng Lòng Tàu có các hạn chế về chiều sâu (8,5m), lòng sông hẹp lại có nhiều khúc quanh gắt, sông Lòng Tàu chỉ thích hợp cho tàu hàng rời tải trọng 30.000 tấn và tàu container có sức chở 2.800 TEU. Giới hạn này cũng là điểm bất lợi cho sự phát triển của hệ thống cảng biển TPHCM. Giờ đây, cùng với. Sự ra đời của luồng tàu mới - Soài Rạp sẽ khắc phục được tất cả các điểm yếu trên, hứa hẹn mở ra một chương phát triển mới cho ngành cảng biển TPHCM.
Sông Soài Rạp rộng từ 1 đến 3 km, chiều rộng luồng tàu ở thượng lưu là 120-200 mét và hạ lưu là 160 mét. Với luồng tàu như vậy, tàu 50.000 tấn đầy tải và tàu container 5.000 TEU có thể ra vào SPCT và các cảng ở khu vực Cát Lái một cách dễ dàng. Sự kiện tàu hàng 50.000 tấn cập cảng SPCT đánh dấu việc hoàn tất giai đoạn 1 của dự án nạo vét luồng Soài Rạp, với độ sâu 9,5 mét và 12,5 mét khi thủy triều lên. Và khi hoàn tất nạo vét giai đoạn 2 để hạ chiều sâu luồng tàu xuống 12,5 mét và 15,5 mét khi thủy triều lên, sẽ có các tàu trọng tải 80.000-100.000 tấn vào các cảng ở khu vực Hiệp Phước.
“SPCT và các cảng trong khu vực Hiệp Phước có nhiều lợi thế khi luồng Soài Rạp khai thông nhờ ưu thế về vị trí địa lý. Do khoảng cách ngắn hơn khoảng 30 ki lô mét so với hành trình theo sông Lòng Tàu, lòng sông rộng và thẳng, nên tốc độ di chuyển của tàu hàng cũng nhanh hơn rất nhiều. Luồng Soài Rạp giúp các tàu hàng giảm được 2 giờ chạy tàu, giảm một nửa chi phí hoa tiêu cũng như chi phí nhiên liệu so với đi theo sông Lòng Tàu để đến cảng SPCT. Ước tính tiết kiệm hơn 500 nghìn USD trong 1 năm cho tàu 50,000DWT. Ngoài ra, luồng Soài Rạp không giới hạn về chiều dài tàu và hạn chế hàng hải vào ban đêm như luồng Lòng Tàu nên chủ tàu có thể giải phóng và xếp hàng nhanh hơn, qua đó tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian. Đến nay, đã có 5 hãng tàu thông báo với SPCT rằng họ sẽ mở các tuyến vận chuyển thẳng từ TPHCM đến các thị trường lớn trên thế giới, thay vì phải trung chuyển qua một cảng trung gian ở Đông Bắc Á hoặc Đông Á”, ông Tâm nhấn mạnh.
Thiên Long