Lạm phát toàn cầu tăng đã xoa dịu lo ngại rằng lạm phát quá thấp có thể tác động tiêu cực đến sự phục hồi yếu ớt của kinh tế toàn cầu.
Ngày 4/6, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết, trong tháng 4 tốc độ lạm phát hàng năm tại 34 nước thành viên tăng lên 2% so với mức 1,6% của tháng 3. Trong khi đó, Nhóm G20, gồm 20 quốc gia đang phát triển và các nước công nghiệp hàng đầu thế giới, tốc độ lạm phát hàng năm tăng 2 tháng liên tiếp lên 2,8% trong cùng kỳ so với 2,5% của tháng trước đó.
Tốc độ lạm phát tại các nước phát triển tăng đã trấn an nhiều ngân hàng trung ương có mục tiêu lạm phát là 2%, trừ các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) do lạm phát năm của khu vực đồng euro giảm xuống 0,5% trong tháng 5 khi vừa mới tăng lên 0,7% trong tháng 4.
Lạm phát thấp sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ các nước trong nỗ lực cắt giảm gánh nặng nợ - vấn đề đặc biệt nghiêm trọng tại một số nước có mức nợ cao trong khu vực đồng euro. Hơn nữa, khi giá cả bắt đầu giảm, người tiêu dùng có thể cắt giảm chi tiêu, khiến hoạt động kinh tế suy yếu và tạo ra nhiều áp lực giảm phát hơn.
Chứng kiến những khó khăn mà Nhật Bản gặp phải trong thời kỳ giảm phát kéo dài, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang cố gắng tránh gặp phải tai họa tương tự. OECD cho biết, có 4 nước thành viên tại châu Âu đã trải qua tình trạng giá cả giảm liên tục trong 12 tháng tính đến tháng 4.
Tại Mỹ và Canada, tốc độ lạm phát hàng năm trong tháng 4 tăng lên 2% so với mức 1,5% của tháng trước đó. Trong khi đó, lạm phát tại Anh tăng lên 1,8% và tại Nhật Bản tăng mạnh lên 3,4% phần lớn là nhờ đợt tăng thuế tháng 4.
Lạm phát tại một số nền kinh tế đang phát triển lớn như, Brazil, Nga, Nam Phi và Ấn Độ, cũng tăng đáng kể, trong khi lạm phát ở Trung Quốc giảm.
|