Cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, ngành thủy sản Myanmar và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Mặc dù, hiện nay, ngành thủy sản Myanmar còn chưa thực sự phát triển nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, quốc gia này sẽ trở thành nhà cung cấp nguyên liệu thủy sản đầy triển vọng cho thế giới, trong đó có Việt Nam.
Myanmar là một đất nước thuần nông. Nông- Lâm- Ngư nghiệp chiếm tỷ trọng gần 40% GDP và 70% dân số sống dựa vào lĩnh vực này. Myanmar có nguồn lợi thủy sản phong phú và là một nguồn dinh dưỡng và thu nhập quan trọng đối với người dân. Sức tiêu thụ thủy sản tại Myanmar được xem là cao hơn ở Châu Âu. Theo Bộ nghề cá Myanmar, năm 2012, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 4,5 triệu tấn, nhưng khối lượng XK chỉ được khoảng 400.000 tấn. Mức tiêu thụ bình quân theo đầu người đạt 51 kg/ người/ năm. Myanmar được xem là quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế, trong đó có lĩnh vực thủy sản.
Tình hình sản xuất thủy sản
Myanmar có bờ biển dài 2.800 km cùng với nhiều hòn đảo lớn nhỏ trải dài từ vùng giáp biên giới Bănglađét cho đến gần biên giới Thái Lan. Đồng bằng Irrawaddy với mạng lưới sông ngòi chằng chịt chảy vào biển Adaman cũng có các hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS), tuy nhiên còn rất nhiều tiềm năng ở đây chưa được khai thác hết.
Thủy sản Myanmar chủ yếu gồm có cá rô phi, cá mú, cá chẽm, cá tra, cá ngừ …... Các loài như tôm, cua và cá vược mang lại giá trị kinh tế lớn cho Myanmartại các thị trường EU, Nhật Bản, trong đó, tôm mang lại lợi nhuận nhiều nhất. Theo nghiên cứu của CBI, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tại quốc gia này năm 2012 khoảng 180.000ha với 80.000ha được sử dụng để nuôi cá và 100.000ha nuôi tôm.
Tôm sú được nuôi theo hình thức quảng canh hoặc quảng canh cải tiến tại Maungdaw, dọc sông Narf gần biên giới Bangladesh từ những năm 1980. Do cơ sở hạ tầng nghèo nàn nên tôm nuôi tại đây được bán cho Bangladesh để chế biến, XK. Một vài trại giống tại đây vẫn còn hoạt động sản xuất để cung cấp tôm giống cho những trang trại nuôi quảng canh cải tiến. Theo khảo sát của FAO và ADB, hiện vẫn còn nhiềuvùng đất dọc theo sông Rakhine rất tiềm năng cho ngành nuôi tôm.
Hiện nay, Myanmar vẫn là nước sản xuất tôm sú lớn, nhưng nước này hiện đang tìm cách chuyển đổi sang nuôi tôm chân trắng ít nhiễm bệnh hơn.
Từ năm 1998 về trước, tôm của Myanmar chủ yếu là từ đánh bắt trên biển, nhưng nuôi tôm nước mặn tại Myanmar đã phát triển trong những năm gần đây. Những thị trường chủ yếu NK tôm nước mặn từ Myanmar là Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông...Cho đến nay, Myanmar chưa xuất hiện hội chứng tôm chết sớm, do nước này nuôi với mật độ thấp trong các ao lớn và kiểm soát chặt chẽ tôm giống NK. Tuy nhiên, ngành nuôi tôm Myanmar đang bị ảnh hưởng nhiều trước sự tàn phá của thiên tai đối với cơ sở hạ tầng và thiếu vốn đầu tư sản xuất.
Năm 2012, Myanmar sản xuất 4,5 triệu tấn thuỷ sản, cao hơn nhiều so với mức 1,6 triệu tấn năm 2002, đây là con số ấn tượng nếu so với Bangladesh năm 2012 chỉ đạt 3,1 triệu tấn, Thái Lan là 2,9 triệu tấn. Khai thác thủy sản của Myanmar tập trung chủ yếu tại hai thành phố Yangon và Myeil nằm ở phía Nam đất nước. Nhiều tàu nước ngoài đang thực hiện đánh bắt tại đây, nhưng Chính phủ Myanmar đã ra lệnh hạn chế các tàu khai thác nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2014, và tiến tới sẽ cấm hoàn toàn trong tương lai. Tuy vậy, điều này có thể được xem xét nếu các tàu nước ngoài giao sản lượng khai thác cho các cảng ở Myanmar.
Hoạt động chế biến, xuất khẩu
Myanmar hiện có hơn 100 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh, trong đó có 14 nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn châu Âu, với 13 nhà máy nằm ở Yangon và 1 nhà máy nằm ở đồng bằng Ayeyarwaddy. Myanmar đang có thêm khoảng 5-10 nhà máy mới áp dụng tiêu chuẩn châu Âu và đang chờ được công nhận.
Những nhà máy chế biến của Myanmar thường vấp phải những khó khăn như thiếu điện và nguyên liệu đầu vào, giá dầu diesel và chi phí sản xuất tăng cao, đồng thời, nguồn lợi thủy sản cũng đang dần suy giảm. Các DN tại Myanmar hi vọng trong những năm tới, chính phủ sẽ có biện pháp nhằm thúc đẩy nguồn cung điện và sản lượng nuôi trồng sẽ được phục hồi.
Trước đây, do lệnh trừng phạt kinh tế, Myanmar chỉ chủ yếu XK thủy sản sang các nước trong khu vực. Tuy nhiên gần đây, khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, XK thủy sản từ Myanmar sang EU và Mỹ đã tăng trưởng dần. Myanmar nổi lên là 1 trong những đối thủ XK thủy sản cạnh tranh của Việt Nam. Hiện, Myanmar đang được hưởng lại EBA (quy ước miễn thuế cho hàng hóa của Myanmarvào EU) với thuế NK là 0%.
Trong năm tài khóa 2012-13, nước này XK 650 triệu USD thủy sản, chủ yếu sang Trung Quốc, Thái Lan, Trung Đông và Mỹ. Tuy nhiên, năm nay, các chuyên gia dự đoán XK sẽ giảm 15% xuống khoảng 536 triệu USD. Khối lượng XK cũng dự kiến giảm do sản lượng giảm và các khoản đầu tư vào ngành hạn chế. Trong tương lai, nhiều sản phẩm như tôm, cua biển và cá chẽm Myanmar được đánh giá là có tiềm năng thương mại lớn tại thị trường EU và nhiều thị trường khác.
Nguồn nguyên liệu thủy sản cho Việt Nam
Mặc dù, trong những năm gần đây, khối lượng NK nguyên liệu thủy sản từ Myanmarvào Việt Nam không ổn định. Năm 2008, 2009 giá trị XK thủy sản từ Myanmarsang Việt Nam đạt 1,7 và 3,7 triệu USD. Sang năm 2012, tăng bất ngờ với giá trị 6,1 triệu USD, sau đó lại sụt xuống còn gần 4 triệu USD. Các mặt hàng XK chủ yếu gồm mực, bạch tuộc, tôm, cua ghẹ và cá các loại, trong đó chủ yếu là nhuyễn thể.
Trong tình trạng thiếu nguyên liệu tại các DN chế biến XK Việt Nam đang diễn ra hiện nay thì thủy sản Myanmarđược xem là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng phục vụ cho chế biến XK các sản phẩm GTGT của Việt Nam.
Bên cạnh đó, từ 1/1/2014, EU vẫn cho phép Việt Nam hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập đối với thủy sản và Myanmarđược hưởng lại EBA. Việt Nam cần tranh thủ lợi thế này để sử dụng nguyên liệu từ Myanmartheo nguyên tắc cộng gộp xuất xứ cho khu vực ASEAN (các nước được tính cộng gộp xuất xứ với Việt Nam là Brunei, Cămpuchia, Lào, Inđônêxia, Philippin, Xingapo, Thái Lan).
Hiện nay, Myanmarđang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, với môi trường kinh doanh thuận lợi, nguồn lao động rẻ, nguồn tài nguyên đất đai dồi dào. Các DN có nhiều cơ hội phát triển vùng nuôi tôm sạch, cũng như phát triển các loài nuôi thủy sản khác như cá chẽm, cá rô phi, cá tầm...
Tuy nhiên, khi kinh doanh tại Myanma, các DN Việt Nam lưu ý rằng họ sẽ phải đối mặt với cơ chế quản lý hành chính tập trung, quan liêu bao cấp. Các DN nước sở tại vẫn còn phải xin giấy phép kinh doanh XNK, giấy phép XNK từng chuyến hàng. Bởi vậy, sau khi ký kết hợp đồng kinh tế, DN cả hai phía đều phải mất từ 2 – 3 tháng làm các thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng Myanma. Các dịch vụ như điện, nước, điện thoại, giá xăng dầu vẫn trong tình trạng chính phủ bao cấp giá...
Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập, đây sẽ là tiền đề để các DN thủy sản Việt Nam- Myanmarcó cơ hội hợp tác vững bền hơn trong tương lai.
Theo vinanet