Máy móc thiết bị nằm chờ mặt bằng
Trong những ngày đầu tháng 7, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi và mặt bằng hiện có, 13 nhà thầu thầu tham gia 5 gói thầu xây lắp đang tập trung kéo bù tiến độ của dự án.
Tại gói thầu số 4, nhà thầu Intracom đã cơ bản xong phần đào nền, xử lý nền đất yếu. Kỹ sư Trần Văn Tùng, Chỉ huy trưởng cho biết: Mặc dù đơn vị được giao thi công 3km, nhưng hiện vẫn còn gần 1km vướng mặt bằng, địa phương cam kết đến 15/7 bàn giao toàn bộ. Nhà thầu huy động 4 mũi thi công với tổng số hơn 20 thiết bị các loại. Hiện Intracom đã hoàn thành 85% khối lượng K98, hoàn thành 70% khối lượng cắm bấc thấm. “Do còn thiếu mặt bằng nên gần một nửa số thiết bị vẫn phải “nằm chờ” đến lượt thi công”, anh Tùng cho biết.
Tại gói thầu xây lắp số 2, dài 5,5km do Công ty TNHH MTV 17 thuộc TCT xây dựng Trường Sơn đảm nhận, nhà thầu đã huy động hơn 30 cán bộ, kỹ thuật, gần 20 thiết bị thi công. Tuy nhiên, tổng diện tích mặt bằng được bàn giao mới đạt chưa đầy 70%, trong đó nhiều đoạn xôi đỗ, không thể đưa máy vào thi công. Trung úy Lê Trọng Tín - Phó Giám đốc Ban điều hành cho biết: Ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án cuối tháng 3/2014, nhà thầu đã huy động tối đa nhân công, thiết bị phục vụ thi công. Nhưng hiện các thiết bị nhà thầu đưa vào công trường đều chưa hoạt động hết công suất do thiếu mặt bằng”.
Với gói thầu do Nhà thầu Thuận An thi công, đến nay, theo Kỹ sư Nguyễn Hữu Hoài, Chỉ huy trưởng công trường, ngoài việc bổ sung, đưa thêm thiết bị mới vào thi công nền với 34 thiết bị các loại, nhà thầu còn thay đổi một số vị trí của cán bộ điều hành để đảm bảo mục tiêu đến hết tháng 9 sẽ chuyển sang thi công phần cấp phối đá răm.
Về công tác GPMB, Tổng Giám đốc Ban QLDA 4, ông Trần Hữu Hải cho biết, ngoài việc yêu cầu các cán bộ của Ban xuống tận các xã phối hợp với địa phương, đôn đốc công tác GPMB, Chủ đầu tư luôn chuẩn bị sẵn kinh phí để địa phương chi trả cho người dân. Đến nay, đã có hơn 170 tỉ đồng được giải ngân cho công tác GPMB.
Nói không với thiết bị không đảm bảo
Tại dự án La Sơn - Lăng Cô, Ban QLDA 4 đã đề ra những tiêu chí khắt khe với các nhà thầu để quản lý chất lượng công trình và đảm bảo ATGT. Chủ đầu tư chủ động khảo sát nguồn mỏ vật liệu để xây dựng sơ đồ mỏ cho toàn bộ dự án. Quá trình thi công, Tư vấn giám sát cắt cử cán bộ túc trực tại mỏ, tại công trường kiểm soát nhà thầu trên tinh thần "Dù chỉ một xe cát, nhưng nếu không lấy từ mỏ chỉ định cũng không cho đưa vào công trường".
Theo ông Hoàng Văn Châu - Phó Giám đốc điều hành dự án: Căn cứ theo hồ sơ thi công của nhà thầu, chúng tôi sẽ rà soát thiết bị theo các tiêu chí: Số lượng, công suất, chủng loại để tính toán năng lực thi công của nhà thầu. Riêng về thiết bị lu, tuyệt đối không cho phép nhà thầu sử dụng lu có tự trọng thấp hoặc lu có tính năng rung lệch tâm ( chủ yếu của Trung Quốc) :"Một số nhà thầu đã đưa thiết bị vào công trường nhưng phải chở về vì không đúng chủng loại, nhất là thiết bị lu", ông Châu khẳng định.
Giải quyết vướng vắc không quá... hai ngày
Để giám sát tiến độ của các nhà thầu trên tuyến, Ban QLDA 4 đã giao mỗi cán bộ dự án ngoài việc giám sát khối lượng của gói thầu được giao còn phải thường xuyên đi tuyến, cùng với nhà thầu tháo gỡ các vấn đề phát sinh : "Với những vấn đề nhỏ, yêu cầu thời gian giải quyết không được quá hai ngày", ông Hoàng Văn Châu nói.
Do dự án không có nhà thầu chuyên trách về ATGT, nên Ban QLDA đã yêu cầu các nhà thầu phải có bộ phận đảm nhận công tác này một cách nghiêm túc, thực hiện nghiêm các quy trình về hệ thống cọc tiêu, biển báo, thiết bị, con người cho việc cảnh giới, đồng thời mỗi nhà thầu phải có một cán bộ thường trực phụ trách ATGT giải quyết các vấn đề phát sinh. Đến nay, sau gần 4 tháng triển khai thi công, trên toàn tuyến dự án La Sơn - Lăng Cô chưa xảy ra ùn tắc hay TNGT do quá trình thi công gây nên.
Theo Giao Thông Vận Tải.