Do Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á - khu vực đang có xu hướng tăng trưởng hàng không ở mức rất cao so với các khu vực khác trên thế giới. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phát triển, có nhiều chính sách thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài … Quan trọng hơn, nguồn thu của ACV khá ổn định so với kinh doanh những sản phẩm khác.
Trong 3 năm qua, dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, biến động nhưng tăng trưởng của ngành hàng không vẫn tăng đều. Bình quân mỗi năm lượng hành khách và hàng hóa thông qua các cảng Hàng không tăng khoảng 15%/năm. 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, nhưng sản lượng hành khách vẫn tăng, giữ nhịp độ tăng trưởng như năm 2013 là khoảng 17%.
Theo ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc ACV, dự kiến, đến cuối tháng 8 sẽ hoàn tất công tác xác định giá trị doanh nghiệp và cuối năm 2014, ACV sẽ báo cáo Bộ GTVT về phương án CPH Công ty mẹ. Đồng thời, ACV đã và đang tiến hành CPH các đơn vị trực thuộc như: Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS), Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO)…
Theo kế hoạch, Công ty mẹ và các công ty con của ACV đều sẽ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần trong năm 2015.
Ông Hùng nhận định: Vấn đề mấu chốt của công tác CPH doanh nghiệp là tìm được nhà đầu tư chiến lược. Đối với nhiều nước trên thế giới, kinh doanh cảng hàng không là hình thức kinh doanh tốt, mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, kinh doanh cảng hàng không tốt hay không phụ thuộc vào lưu lượng hành khách thông qua cảng mỗi năm. Ở Việt Nam, chỉ mới có một số cảng hàng không do có lưu lượng hành khách thông qua lớn là kinh doanh có lãi, cân đối được thu chi, còn nhiều cảng hàng không địa phương đang gặp khó khăn.
Mặc dù vậy, về dài hạn thì kinh doanh cảng hàng không vẫn được đánh giá là một hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận. Vì vậy, theo ông Hùng, việc tìm được nhà đầu tư chiến lược đối với ACV không khó./.
Theo caa.gov.vn