Trước tình hình vi phạm an ninh hàng không tăng đột biến, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải – Chủ tịch Ủy ban an ninh hàng không Quốc gia đặt câu hỏi: "Trong 145 vụ việc liên quan đến an ninh hàng không, tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước, rõ ràng công tác quản lý đang có những “khe hở”. Vậy Việt Nam có phải là một nơi dễ dãi trong việc vận chuyển vũ khí? Chúng ta đang thiếu thiết bị hay còn lỗ hổng? Phải chăng công tác xử lý của chúng ta chưa nghiêm?
|
Lực lượng an ninh còn mỏng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm an ninh hàng không tăng |
Gia tăng dọa bom, sử dụng giấy tờ giả
Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an ninh hàng không 6 tháng đầu năm 2014 được tổ chức sáng 28/7, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh báo cáo, vi phạm an ninh hàng không 6 tháng đầu năm nay gia tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xảy ra 145 vụ, tăng 95,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Đáng lưu ý là có tới 7 vụ hành khách tung tin có bom, trong khi 6 tháng đầu năm 2013 không xảy ra vụ việc nào. Về hành vi mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm trái phép lên máy bay cũng xảy ra 62 vụ.
Hành vi sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay tăng 35 vụ (tăng 583% so với cùng kỳ năm 2013). Nạn trộm cắp ở sân bay diễn ra phức tạp, kể cả với chuyến bay chuyên cơ. Hiện tượng khách mở cửa thoát hiểm, giật áo phao… cũng có xu hướng tái diễn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã tăng thêm 200 vụ buôn lậu qua đường hàng không. Công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa ở sân bay còn nhiều bất cập.
Sau khi có vụ lọt 600 bánh heroin, hải quan nhận được thông tin có đối tượng vận chuyển heroin quá cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất sang Campuchia nhưng khi tìm hành lý phải rất vất vả mới phát hiện được hơn 4 kg heroin. Nguyên nhân là do 3 năm nay các bên chưa có cơ chế cung cấp thông tin cần thiết về hành khách để cùng phối hợp kiểm tra, giám sát. Các đối tượng tiếp tay vận chuyển hàng xách tay, mua vé hạng C để được đem theo nhiều hàng hóa… ngày càng nhiều, đòi hỏi phải rà soát, phân loại đối tượng.
Thiếu tướng Trình Văn Thống, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) cho rằng, ngành hàng không đang có “lỗ hổng” từ việc kiểm soát ở trong và ngoài sân bay. Theo Thiếu tướng Trình Văn Thống, hoạt động hàng không dân dụng luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn bất cứ lúc nào. Các nguy cơ có thể đến từ bên trong và bên ngoài. Gần đây có các vụ mang vũ khí, dọa bom, vận chuyển nhầm khách… cần hết sức lưu ý, có giải pháp khắc phục.
Tại hội nghị, các đơn vị liên quan đã đưa ra nguyên nhân xảy ra sự cố an ninh là do hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị an ninh thiếu, lạc hậu, lực lượng an ninh còn mỏng, trình độ chuyên môn hạn chế...Đây cũng là những thách thức lớn đối với công tác bảo đảm an ninh hàng không của Việt Nam.
Vi phạm hàng không: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Bộ trưởng Đinh La Thăng – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An ninh hàng không quốc gia cho biết, Bộ trưởng liên tục nhận được tin nhắn phản ánh của hành khách về tình trạng chậm, hủy chuyến và nhận định “chưa bao giờ hình ảnh hàng không Việt Nam xấu như hiện nay”.
Để xảy ra tình trạng vi phạm an ninh hàng không và chậm, hủy chuyến tăng đột biến, bản thân Cục Hàng không VN và các hãng hàng không phải nhận thức đây là lỗi của mình mới có thể đưa ra giải pháp khắc phục. Bộ trưởng yêu cầu Cục HKVN phải chú trọng các vấn đề này khi dự thảo sửa Luật Hàng không dân dụng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Hàng không VN nghiên cứu rút ngắn đường bay sao cho vừa đem lại hiệu quả khai thác vừa đảm bảo an ninh hàng không. Đồng thời, Cục Hàng không VN phải sớm hoàn thành đề án đổi mới quản lý của Cục.
|
Kiểm tra an ninh hành lý xách tay của hành khách |
Đối với các hành vi vi phạm an ninh hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng cần phải có những biện pháp mạnh hơn. Như hành vi mở cửa thoát hiểm hay nói đùa có bom, có thể xử phạt hành chính và cấm bay vĩnh viễn. Riêng các sự cố uy hiếp an toàn bay do nhân viên hàng không gây ra, ví dụ như kiểm soát viên không lưu làm sai thì xem xét truy tố trách nhiệm hình sự”, Bộ trưởng nói.
Kiểm soát an ninh: Đang thiếu thiết bị hay còn lỗ hổng?
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bày tỏ lo ngại với các con số về số vụ vi phạm an ninh, an toàn hàng không mà Cục hàng không VN báo cáo. “Trong 145 vụ việc liên quan đến an ninh hàng không, tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước thì rõ ràng công tác quản lý của nước ta đang có những “khe hở”. Vậy Việt Nam có phải là một nơi dễ dãi trong việc vận chuyển vũ khí? Chúng ta đang thiếu thiết bị hay còn lỗ hổng? Phải chăng công tác xử lý của chúng ta chưa nghiêm?”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra hàng loạt câu hỏi.
Phó thủ tướng khẳng định để khách mở cửa thoát hiểm, giật áo phao… lỗi trước hết thuộc về cơ quan quản lý chưa tuyên truyền đủ mức độ và chưa xử lý nghiêm khi xảy ra vi phạm. Phó Thủ tướng yêu cầu từ nay đến cuối năm, ngành hàng không phải có chuyển biến cơ bản về an ninh, an toàn hàng không. Các doanh nghiệp phải rút kinh nghiệm trong công tác đào tạo, huấn luyện nhân viên khi ứng xử với khách trong trường hợp chậm, hủy chuyến.
Nhấn mạnh đến việc đảm bảo an ninh cho hoạt động hàng không, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an phải thành lập đồn công an, tuần tra kiểm soát thường xuyên trong khu vực cảng hàng không.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải có mọi giải pháp để đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến đảm bảo an ninh, an toàn hàng không vì đã xảy ra là không còn cơ hội để rút kinh nghiệm.
Về công tác kiểm tra, đoàn của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia sẽ tiếp tục kiểm tra chéo các sân bay, hãng hàng không, để xem chất lượng dịch vụ bởi nếu không kiểm tra thường xuyên sẽ khó khắc phục tồn tại.
“Chúng ta không còn cơ hội để rút kinh nghiệm, đừng để tình trạng mất bò mới lo làm chuồng. Chúng ta đang có hình ảnh về hàng không Việt Nam tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, nên phải hành động, phải nâng cao trách nhiệm, khắc phục hạn chế trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Theo Giao Thông Vận Tải.