Năm 2013, nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc khoảng 3,8 tỷ USD trên tổng hơn 8 tỷ USD, tương đương 46%.
Việt Nam cũng xuất sợi sang Trung Quốc nhưng đó là sợi thô.
Thừa nhận trong những năm qua, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc khá lớn, năm 2013 là khoảng 3,8 tỷ USD, tương đương 46% trên tổng số thị trường, bà Đặng Phương Dung- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu sử dụng nguồn nguyên liệu từ trong nước và các nước khác ngoài Trung Quốc để giảm thiểu tỷ trọng này.
Nhiều ngành, lĩnh vực của Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, trong đó có ngành dệt may. Bà nhận định như thế nào về tình trạng này?
Nói đến tình trạng xuất nhập khẩu hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, tôi cho rằng đó là một câu chuyện rất bình thường khi thế giới đang dần xóa bỏ các hệ thống hạn ngạch, hệ thống rào cản về thương mại. Tất nhiên chúng ta luôn muốn cân đối cán cân xuất nhập khẩu để giảm nhập siêu. Trong 2 năm gần đây, ngành dệt may đã chuyển dần sang xuất siêu, hay nói cách khác, cán cân đã gần như cân bằng.
Nói riêng về ngành dệt may, hiện nay kim ngạch đang tăng trưởng khá lớn, năm 2000, ngành dệt may tăng trưởng 2 tỷ USD, hiện nay với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), xuất khẩu dệt may tăng rất nhanh, năm 2013 giá trị xuất khẩu đạt 20 tỷ USD.
Tuy nhiên, khả năng nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa lớn, chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa. Với tốc độ tăng trưởng lớn như vậy và với mặt bằng kinh tế của Việt Nam, chúng ta phải chấp nhận nhập khẩu nguyên liệu mà chúng ta không có lợi thế. Trong những năm qua kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may khá lớn.
Tuy nhiên, ngành dệt may đang cố gắng tăng tỷ lệ nội địa hóa. Trong những năm vừa qua, ngành đã tăng khoảng 46-47, năm cao nhất là 48% tỷ lệ nội địa hóa trên sản phẩm. Chúng tôi cũng đang phấn đấu tiếp tục tăng tỷ lệ nội địa hóa, bên cạnh đó sẽ đưa thêm giá trị gia tăng vào sản phẩm.
Bà có thể nói rõ hơn việc phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt là đối với nguyên vật liệu dệt may?
Hiện nay, ngành dệt may nhập nguyên phụ liệu nhiều nhất từ Trung Quốc, tiếp theo là Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước khác.
Với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu khi chúng ta chưa ký các hiệp định tự do thương mại, tức trước năm 2002-2003, tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc thấp hơn từ Hàn Quốc, khi đó xuất khẩu chủ yếu vào EU và Việt Nam chưa ký FTA với Mỹ. Nhưng sau khi ký FTA với Mỹ, tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc tăng lên.
Khi chúng ta tham gia vào chuỗi hội nhập tức là chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng của thế giới, đương nhiên chúng ta chấp nhận cuộc chơi. Ví dụ, các hãng Nike, Adidas có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, Đài Loan và hiện nay là tại Việt Nam, rõ ràng nguyên liệu cần phải giống nhau, cần phải nhập khẩu nguyên liệu từ cùng một nơi để chất lượng sản phẩm giống nhau. Mỹ hiện đang có nguồn nhập rất lớn từ Trung Quốc vì vậy tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam từ Trung Quốc cũng tăng lên.
Theo thống kê của chúng tôi trong năm 2013, nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc khoảng 3,8 tỷ USD trên tổng hơn 8 tỷ USD, tương đương 46%. Chúng ta cũng xuất sợi sang Trung Quốc nhưng đó là sợi thô. Đối với sợi phục vụ cho hoạt động dệt thì đang phải nhập khẩu.
Như vậy, việc phụ thuộc vào nguyên liệu của Trung Quốc trong ngành dệt may là khá lớn. Theo quan điểm của bà, sự phụ thuộc này ảnh hưởng như thế nào tới ngành dệt may Việt Nam?
Không thể nói là không có ảnh hưởng tới ngành dệt may. Nhưng như tôi đã nói, vào cuộc chơi hội nhập đương nhiên phải có rủi ro và có lợi. Về mặt lợi, nếu như chúng ta sẵn sàng học hỏi, tăng sự cạnh tranh, chúng ta vẫn có thể chiếm lĩnh thị trường, tăng trưởng. Nhưng nếu chúng ta chuẩn bị không tốt, đương nhiên sẽ bị thua thiệt, thậm chí mất ngay thị trường trên sân nhà.
Việt Nam có ngành dệt đang là điểm yếu, đặc biệt là khâu nhuộm hoàn tất. Hiện chúng ta cứ xuất vải thô mà nhập vải tinh. Chúng ta phải phấn đấu rất nhiều trong việc tăng cường trao đổi công nghệ mới sao cho ngành dệt nhuộm hoàn tất phát triển.
Vậy ngành dệt may đang thực hiện biện pháp gì để cải thiện tình trạng này?
Nếu cứ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc thì tính rủi ro cao nên ngành phải nghiên cứu sử dụng nguồn nguyên liệu từ trong nước và các nước trừ Trung Quốc để giảm thiểu tỷ trọng này.
Bên cạnh đó doanh nghiệp cần làm việc với khách hàng để cùng bàn bạc, thực hiện nhiều hơn thể thức ODM (thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng-PV) để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm từ đó chủ động tìm kiếm nguồn nguyên phụ liệu và giảm lệ thuộc vào Trung Quốc.
Theo Báo Hải Quan.
|