Trong tháng 7-2014, XK cà phê ước đạt 77.0000 tấn, kim ngạch ước đạt 179 triệu USD, đưa khối lượng XK cà phê 7 tháng đầu năm ước đạt 1,12 triệu tấn, tăng 26,9%, thu về 2,31 tỷ USD, tăng 21,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Giá cà phê XK bình quân đạt 2.043 USD/tấn, giảm 4,84% so với năm 2013. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14,02% và 10,1%. Thị trường Bỉ có tốc độ tăng mạnh nhất, gấp 2,5 lần về khối lượng và gấp 2,35 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. |
Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất và XK cà phê vối (robusta) và đứng thứ hai thế giới về sản xuất và XK cà phê nhân (chỉ sau Brazil). Có thể khẳng định, trong hơn một thập niên qua, sản xuất cà phê của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao cả về diện tích, năng suất cũng như sản lượng. Bằng chứng là năm 2012, sản lượng cà phê nhân của Việt Nam đã đạt 1,3 triệu tấn, gấp 14 lần so với năm 1990, kim ngạch XK cũng chạm mức 2,7 tỷ USD, gấp hơn 29 lần so với năm 1990.
Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy, ngành sản xuất, XK cà phê Việt Nam đang tồn tại nghịch lý lớn là cho đến nay, Việt Nam chủ yếu là cà phê nhân với tỷ lệ lên tới 95% tổng sản lượng, trong khi XK cà phê đã qua chế biến chỉ chiếm 5%. Đáng lưu ý là giá trị một đơn vị cà phê qua chế biến cao hơn cà phê nhân tới 3 lần.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, kết quả này một phần là bởi hiện nay ngành cà phê Việt Nam có hệ thống chế biến, bảo quản tăng mạnh về số lượng nhưng còn yếu kém, phát triển chưa cân đối. Tổng công suất thực tế chế biến cà phê nhân, cà phê bột và kho bảo quản đạt thấp so với công suất thiết kế gây lãng phí lớn vốn đầu tư. Thậm chí, trong năm 2011, 2012 đã có một số DN phải tạm dừng hoạt động và có nguy cơ phá sản.
“Điểm yếu lớn trong ngành cà phê còn là các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm cà phê chưa gắn kết với nhau, liên kết giữa nhà nông và nhà DN còn lỏng lẻo. Các DN chế biến XK chủ yếu hoạt động thương mại thuần túy, ít gắn với sản xuất cà phê. Phần lớn sản lượng cà phê bột được chế biến ở các cơ sở nhỏ, chất lượng không cao nên khó mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Nguyễn Trọng Thừa nói.
Nâng “chất” cho cà phê XK
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tiêu thụ cà phê toàn cầu đã tăng liên tục trong vòng 40 năm qua với tốc độ tăng bình quân 1,6%/năm. Tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tiếp tục tăng và mức tăng cao hơn so với sản xuất nên giá cà phê sẽ được duy trì ở mức trên 2.000 USD/tấn.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối xây dựng, hoàn thiện Dự thảo “Quy hoạch hệ thống chế biến, bảo quản cà phê gắn với sản xuất và XK đến năm 2020, định hướng 2030”. Trong dự thảo, các chuyên gia trong ngành đưa ra nhận định giai đoạn từ nay tới năm 2020, định hướng XK cà phê nhân Việt Nam là tiếp tục duy trì và giữ ổn định thị trường cà phê Việt Nam đã XK đến 80 quốc gia, đặc biệt là 10 nước NK nhiều cà phê nhân là: Hoa Kỳ, Đức, Bỉ, Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Anh và Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất trong XK cà phê nhân chính là chất lượng phải được cải thiện và thực hiện đúng theo chương trình nâng cao chất lượng cà phê của ICO. Đồng thời, để XK đạt kết quả phải có DN đủ mạnh (nhóm 20 DN XK cà phê – G20) được điều hành bởi đội ngũ các doanh nhân giàu kinh nghiệm và hiểu biết về hệ thống giao dịch cà phê trên thị trường thế giới.
Đối với cà phê tiêu dùng, tiềm năng XK sẽ mở ra đối với các DN Việt Nam nếu sản phẩm cà phê được chế biến bởi dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và có chiến lược mở rộng thị trường khoa học mang tính khả thi cao.
Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, trong dự thảo, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cũng đã chỉ ra những giải pháp “căn cơ” để từng bước tăng giá trị XK cà phê Việt Nam. Đó là sẽ xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng cao và có chứng nhận làm nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Cách tốt nhất là từng DN chế biến, bảo quản cà phê phải kết hợp với địa phương tìm vùng sản xuất cà phê nguyên liệu ổn định và lâu dài, từ đó đầu tư và ký hợp đồng thu mua sản phẩm. Sản phẩm cà phê nhân hoặc sau này chế biến thành cà phê tiêu dùng có thể dễ dàng truy nguyên nguồn gốc.
Bên cạnh đó, ngành cà phê cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đồng thời nhanh chóng cải thiện phương thức mua bán cà phê nhân qua sàn giao dịch với giá có lợi cho DN Việt Nam.
Ngoài ra, các chủ DN đã đầu tư các nhà máy chế biến cà phê nhân phải đánh giá lại dây chuyền thiết bị công nghệ, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh trên cơ sở chuẩn bị được vốn thu mua cà phê nhân và hợp tác liên kết tiêu thụ cà phê nhân XK một cách hợp lý. Những nhà máy, kho bảo quản không hiệu quả thì xem xét chuyển đổi công năng hoặc thực hiện hợp đồng bảo quản cà phê cho các DN khác nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng kho nhằm tránh lãng phí vốn đầu tư...
Theo Dự thảo “Quy hoạch hệ thống chế biến, bảo quản cà phê gắn với sản xuất và XK đến năm 2020, định hướng 2030”: Dự báo, kim ngạch XK cà phê đến năm 2020 đạt ổn định 3,5 tỷ USD/năm, định hướng đến 2030 đạt 4 - 4,5 tỷ USD/năm. 100% sản phẩm cà phê qua chế biến đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỷ lệ cà phê nhân được chế biến ở quy mô công nghiệp đạt 40% vào năm 2015; đạt 70% đến năm 2020 và trên 80% đến năm 2030. Đến năm 2020, tỷ lệ cà phê tiêu dùng (cà phê chế biến sâu: cà phê rang xay, cà phê hoà tan) đạt 25% tổng sản lượng cà phê nhân. Về việc phân bố các cơ sở chế biến bảo quản cà phê theo vùng kinh tế, dự kiến đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển chế biến cà phê hòa tan ở các vùng chính gồm: Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL, tổng công suất thiết kế đến năm 2020: 55.000 tấn sản phẩm/năm. Khuyến khích các DN sản xuất phối trộn cà phê 3 trong 1 vì vấn đề đầu tư dây chuyền thiết bị tương đối thấp, nhu cầu thị trường lớn. |