Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bằng việc cụ thể
- Đã có nhiều tranh cãi về “đường bay vàng” và chắc chắn sẽ còn ý kiến khác nhau. Điều này cũng rất có lợi, bởi vì phản biện sẽ giúp cho nhà quản lý thấy rõ hơn nhiều mặt để đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp. Bộ GTVT đã tiếp thu nhiều ý kiến, làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu để có sự thống nhất trong việc mở đường bay đi qua Campuchia.
Mở đường bay là vì lợi ích kinh tế nhưng phải gắn liền với đảm bảo an ninh quốc phòng. Những nghiên cứu ban đầu cho thấy, nếu thực hiện “đường bay vàng”, thì sẽ đạt được mục đích kinh tế cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng. Tôi đã giao cho Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Cục Hàng không nước bạn để triển khai cụ thể. Trong tuần này, Bộ GTVT sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Tiến sĩ GTVT Trần Đình Bá: "Đường bay thẳng sẽ là đường bay vàng cho các DN hàng không"
Là người đã từng tranh luận gay gắt với các cơ quan quản lý của ngành GTVT và đưa lên diễn đàn thông tin rất nhiều ý kiến tranh luận về hiệu quả “đường bay vàng” nối thẳng sân bay Nội Bài – Tân Sơn Nhất, qua không phận Lào và Campuchia từ nhiều năm qua, tiến sĩ Trần Đình Bá đã rất vui mừng trước thông tin Việt Nam và Campuchia đạt được thỏa thuận ban đầu về thiết lập đường bay thẳng Hà Nội – TPHCM qua không phận Campuchia. Nói về hiệu quả của việc bay thẳng, tiến sĩ Trần Đình Bá cho biết:
Với đường bay hiện tại, mỗi chuyến bay bị lãng phí thêm hơn 28 phút so với “đường bay vàng”, con số lãng phí hằng năm tính được sẽ là trên 25.000 giờ bay, gần bằng với tuổi thọ sử dụng của một chiếc máy bay Airbus A330 với thời giá hiện nay là 175 triệu USD - có nghĩa rằng, đường bay cũ mỗi năm đã khấu hao gần hết một chiếc máy bay Airbus A330. Kèm theo thời gian bay kéo dài đó, các chuyến bay đã phải tiêu tốn hết hơn 60.000 tấn nhiên liệu.
Tiến sĩ Trần Đình Bá giới thiệu về những lợi thế của "đường bay vàng" so với đường bay hiện tại. Ảnh: Công Thắng |
Các hãng hàng không phải trả tiền lương 25.000 giờ bay cho phi công ngoại, chi phí cho phi công, tiếp viên, nhân viên bay... tổng cộng những khoản chi phí này lên tới khoảng 300 triệu USD mỗi năm. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao đường bay quốc tế có lãi, trong khi đường bay nội địa của các hãng hàng không lại thua lỗ nặng nề là vậy.
Nếu chưa thực hiện được đường bay thẳng, hàng triệu hành khách còn phải chậm mất hơn 28 phút mỗi người đi trên các hãng hàng không, dẫn đến lãng phí hàng chục triệu giờ có ích làm ra tiền của cho xã hội. Đây là một thiệt hại xã hội không hề nhỏ, nếu không khẩn trương để đưa được “đường bay vàng” cho các hãng hàng không hoạt động.