Sàn giao dịch cá tra tại châu Âu (đặt tại cảng Zeebrugge - Bỉ) đang được thúc đẩy thành lập. Đây sẽ là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong 7 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước. EU tiếp tục là một trong những quốc gia hàng đầu nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam, trong đó có cá tra. Tuy nhiên, xuất khẩu vào thị trường này còn vướng rào cản do phải thông qua các DN trung gian khiến chi phí tăng cao.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep cho biết, nhằm giảm chi phí, tăng cường xuất khẩu cá tra vào EU, quyết định thành lập Sàn giao dịch cá tra tại châu Âu đặt tại cảng Zeebrugge đã được Vasep đề xuất cách đây hơn 2 năm. Đây được cho là cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam bởi lẽ nếu thực hiện được, thay vì bán cho các khách hàng đơn lẻ như cách làm truyền thống, cá tra Việt Nam sẽ có cơ hội đi thẳng tới các nhà bán lẻ EU qua duy nhất trung tâm này, từ đó giảm chi phí, thống nhất giá bán cho sản phẩm. Cảng Zeebrugge nằm gần các cảng lớn của EU như Le Havre, Hamburg… nên hàng hóa Việt Nam càng có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn vào các quốc gia lân cận khu vực EU thông qua những cảng này. Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Vasep cho biết thêm, tham gia sàn giao dịch, DN sẽ làm quen với hình thức mua bán qua đấu giá điện tử. Do đó, DN sẽ không còn có khả năng chào giá thấp một cách bất hợp lý so với các DN khác, cũng như không có điều kiện làm việc riêng lẻ với từng nhà thương mại, tạo cơ sở cho việc cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN.
Ngoài ra, thị trường Bỉ được coi là “bàn đạp” cho hàng hóa tiến vào EU bởi quốc gia này tập trung rất nhiều cơ quan đại diện, đại sứ quán, tổ chức quốc tế và cán bộ ngoại giao sinh sống. DN muốn thâm nhập vào EU thường lấy Bỉ làm thị trường thử nghiệm. Mặt hàng nào đã thành công ở Bỉ thì chắc chắn sẽ thành công tại thị trường EU. Thêm nữa, Zeebrugge hiện là cảng cá quan trọng nhất của Bỉ và các sản phẩm cá tại đây sẽ được vận chuyển đến các nước trong khu vực châu Âu, nên việc giao dịch hàng hóa tại cảng nước sâu Zeebrugge cũng là cơ hội hoàn hảo cho mặt hàng cá tra xuất khẩu vào các thị trường khu vực này.
Mặc dù có những tiềm năng lớn nhưng do nhiều vướng mắc về thủ tục nên việc thành lập sàn giao dịch này vẫn chưa hoàn thành. Cụ thể, theo ông Trương
Đình Hòe, quyết định thành lập Sàn giao dịch cá tra tại châu Âu quy định 80% sản lượng cá tra xuất khẩu vào châu Âu phải đi vào cảng này, trong khi đó việc có chuyển sản phẩm vào sàn giao dịch hay không lại là quyết định của DN. Bên cạnh đó, cá tra vào cảng phải đồng nhất cả về chất lượng và giá cả. Để giải quyết được những yêu cầu này cần đến nhiều chính sách. “Tới đây, Vasep sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Tổng cục Thủy sản và các cơ quan liên quan để giải quyết những rào cản, đẩy nhanh đề án thành lập sàn giao dịch này” - ông Trương Đình Hòe khẳng định.
Theo các chuyên gia thủy sản, ngành cá tra Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng từ thị trường EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung. Ngày càng có nhiều ao nuôi áp dụng và có chứng nhận bền vững theo các yêu cầu từ các khách hàng, vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đang triển khai Dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững ở Việt Nam do EU tài trợ. Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng về vùng nguyên liệu cộng với việc thành lập Sàn giao dịch cá tra tại châu Âu, cơ hội để tăng xuất khẩu thủy sản nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng vào thị trường EU đang lớn hơn bao giờ hết./.
Theo VEN