Dù bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua ngành GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ cũng như chất lượng công trình để hoàn thành sứ mệnh hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vào năm 2020.
Đại công trường trên hai trục Bắc - Nam
Theo Nghị quyết số 13, ngày 16/1/2012 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hai tuyến đường huyết mạch được ưu tiên đầu tư nâng cấp là QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Hai tuyến đường huyết mạch này sáu đó trở thành những “đại công trường”, được triển khai hết sức khẩn trương.
Trong nhiều cuộc họp về tiến độ và chất lượng của dự án này, Bộ trưởng Đinh La Thăng luôn nhấn mạnh: “Hiếm có một dự án giao thông nào từ trước đến nay lại có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ như dự án này. Điều này cho thấy tầm quan trọng của dự án để thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
"Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành GTVT vận dụng rất sáng tạo, linh hoạt các giải pháp để kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa vào đầu tư giao thông. Chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút được hàng chục dự án lớn, với số tiền đầu tư khổng lồ vào kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong bối cảnh các nguồn vốn hạn hẹp, Bộ nào sử dụng càng ít ngân sách, trong đó vẫn đầu tư được nhiều, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch, Bộ đó hoạt động hiệu quả nhất”-Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. |
Theo đánh giá, khi toàn bộ QL1 hoàn thành vào năm 2015, sớm hơn so với kế hoạch, tốc độ khai thác trên tuyến sẽ nâng từ 50km/h hiện nay lên 70km/h. Khi đó, việc di chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ sẽ rút ngắn được từ 10 - 15 giờ so với hiện nay. Bên cạnh đó, QL14 từ TP Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên cũng giảm được nhiều thời gian và hạn chế nhiều nguy cơ TNGT.
Dự án đường Hồ Chí Minh đang được thực hiện giai đoạn 2 với mục tiêu thông xe toàn tuyến Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) trước năm 2020. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT, giai đoạn 2 của dự án dự kiến sẽ được rút ngắn, hoàn thành trước kế hoạch 3 - 4 năm.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhiều công trình giao thông hiện đại và có quy mô lớn đã, đang được đầu tư xây dựng. Trong đó có hàng loạt tuyến cao tốc lớn như: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng, La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành. Cùng với đó là hàng loạt các dự án tầm cỡ khác như cầu: Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Đông Trù, Rồng, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi...
Về lĩnh vực hàng không, cảng biển, đường sắt, đường thủy cũng dần được đầu tư đồng bộ với nhiều dự án lớn. Giao thông nông thôn, miền núi cũng được đặc biệt quan tâm, trong đó phải kể tới những dự án cải tạo cầu yếu, 186 cầu treo,…
Kỷ lục mới huy động vốn ngoài ngân sách
Ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, để triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thời gian qua, ngoài nguồn vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ngành GTVT đã huy động được một lượng vốn khổng lồ từ ngoài ngân sách (BOT, BT, PPP).
Tổng số vốn huy động ngoài ngân sách đến năm 2013 khoảng gần 120 nghìn tỷ đồng, với 47 dự án, triển khai đầu tư 1.387km đường. Đây là con số rất có ý nghĩa, chưa có tiền lệ. Chỉ riêng trong năm 2013, con số này là 80 nghìn tỷ đồng cho 26 dự án.
Ngay như dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ, một dự án trọng điểm quốc gia mà trước đây ít ai nghĩ có thể thu hút được các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư nhưng trong số 37 dự án đã triển khai, đến nay đã có đến 17 dự án BOT (dài 608 km) và chiếm đến hơn 45% chiều dài của toàn bộ dự án.
Hay như dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên dài 553km cũng đã thu hút được 5 dự án BOT với số vốn 5.890 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 207 km…
Bên cạnh hai dự án trên, còn hàng loạt những dự án khác đã và đang được triển khai bằng các nguồn vốn xã hội hóa như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang, La Sơn - Túy Loan, Thái Nguyên - Chợ Mới, cầu Việt Trì, hầm đường bộ Đèo Cả, cao tốc Xuân Mai - Hòa Bình…
Một chủ trương mới được coi như là chìa khóa mở cánh cửa thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách trong những năm qua là việc cho phép đầu tư các dự án cao tốc hai làn xe. Sở dĩ các dự án này thu hút được nhà đầu tư bởi chi phí dự án không quá lớn, thời gian thu hồi vốn cũng không quá dài. Bên cạnh đó là có sự rõ ràng và hợp lý trong các phương án về tài chính, vị trí đặt trạm thu phí và thời gian thu phí.
Theo ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban PPP (Bộ GTVT), tới đây, nhiều dự án cao tốc hai làn được đầu tư bằng nguồn vốn BOT. Việc các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến các dự án BOT cao tốc giúp cho Bộ GTVT có thêm nhiều sự lựa chọn để đảm bảo các yêu cầu về mặt tài chính cũng như năng lực thi công.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành GTVT lại huy động được nguồn lực xã hội cao nhất từ trước đến nay, trong đó nguồn lực của doanh nghiệp đóng góp khoảng 20%, còn lại 80% là từ hệ thống ngân hàng. Điều này cho thấy, các ngân hàng dù rất dè dặt tăng trưởng tín dụng, song các doanh nghiệp ngành Giao thông lại dễ dàng tiếp cận vốn, bởi các dự án giao thông đều chứng minh được tính hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ.
Theo Giao thông vận tải.