|
Ông Xi Jin Ping đang thực hiện chuyến công du bốn nước Trung và Nam Á. Sau một chặng dừng chân ở Tajikistan để dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), ông Xi đã viếng thăm Maldives và Sri Lanka. Mục đích chính trong các chuyến thăm Maldives và Sri Lanka là tìm kiếm sự hợp tác về Con đường tơ lụa hàng hải (MSR). Là những đảo quốc ở Ấn Độ Dương, cả Maldives và Sri Lanka đều rất quan trọng đối với khởi xướng trên và cũng gặt hái nhiều lợi ích khi ở những vị trí trên một tuyến giao thương hàng hải lớn hơn.
Lãnh đạo từ cả hai nước đều rất nhiệt tình tham gia dự án này. Trong một buổi trả lời phỏng vấn của Tân Hoa xã, Tổng thống Mahinda Rajapaksa, bày tỏ sự háo hức của Sri Lanka muốn tham gia dự án xây dựng MSR. Thực tế, Sri Lanka đã là một phần của dự án. Quốc đảo này đã nhận 1,4 tỷ đôla từ Trung Quốc để xây dựng “Thành phố cảng Colombo”, một phần của nỗ lực biến quốc đảo này thành một đối thủ cạnh tranh với những cảng thịnh vượng ở Singapore và Dubai. Trong 23 giờ ở Sri Lanka, ông Xi cũng dự một lễ khánh thành tại thành phố cảng.
Trước đó, ông Xi đã có mặt ở Male, thủ đô Maldives, nơi ông ký một thỏa thuận nâng cấp sân bay và xây dựng một cây cầu, một dự án nhà ở và một con đường. Dự án sân bay trước đã trao cho nhà xây dựng khổng lồ của Ấn Độ, GMR, nhưng Maldives đột ngột hủy hợp đồng năm 2012 và giờ trao nó cho Trung Quốc.
Tổng thống Maldives tất nhiên cũng là người hết sức ủng hộ dự án MSR. Trước ông Xi Jin Ping và báo giới, ông Abdullah Yameen, nói: “Maldives giờ vinh dự được các đối tác của Trung Quốc đề cao trong việc xây dựng Con đường tơ lụa hàng hải của thế kỷ 21”.
Maldives không được hưởng mức đầu tư từ Trung Quốc bằng của Sri Lanka, nhưng điều này đang bắt đầu thay đổi. Trong suốt chuyến viếng thăm của ông Xi Jin Ping, Trung Quốc và Maldives đã ký các thỏa thuận cho phép Trung Quốc nâng cấp sân bay Maldives và xây dựng một cây cầu từ thủ đô Male tới đảo chứa sân bay quốc tế Maldives. Tổng thống Yameen cho rằng cây cầu mới có thể được gọi là “Cầu Trung Quốc” để biểu tượng hóa “tình hữu nghị giữa hai nước”.
Các quốc gia Ấn Độ Dương nói chung đều quan tâm đến dự án này - ngay cả Ấn Độ cũng đã tỏ ý muốn tham gia, mặc dù có rất ít chi tiết cụ thể.
Khái niệm Con đường tơ lụa lần đầu tiên xuất hiện trong khung cảnh của Đông Nam Á. Ông Xi Jin Ping đã đưa ra ý tưởng này trong một bài phát biểu trước quốc hội Indonesia tháng 10-2013. Đông Nam Á sẽ đóng vai trò điểm dừng đầu tiên trên tuyến giao thương MSR bên ngoài Trung Quốc và vì vậy đóng vai trò quyết định đối với thành công của dự án này. Tuy nhiên, những căng thẳng gia tăng ở biển Đông đã làm cho sự hợp tác hàng hải giữa Trung Quốc với Đông Nam Á trở nên khó khăn hơn.
Ngay cả khi ông Xi Jin Ping tới Nam Á, MSR vẫn được phô trương tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN diễn ra ở thành phố Nam Ninh, Trung Quốc tuần này. Chủ đề của sự kiện này năm nay là “cùng xây dựng Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21”. Tại hội chợ, Phó thủ tướng Trung Quốc Zhang Gaoli nhấn mạnh trong một phát biểu rằng ASEAN là một phần chủ chốt của MSR. Ông Zhang nói rằng Trung Quốc cùng ASEAN đang xem xét biến năm 2015 thành “Năm của hợp tác hàng hải Trung Quốc - ASEAN”. Theo Công An Online.
|