|
Hà Nội là địa phương tiên phong, cùng cả nước mở cửa "gọi" đầu tư nước ngoài (ĐTNN) từ 25 năm trước. Đến nay, kết quả thu hút nguồn vốn duy trì khá đều đặn qua từng năm, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô.
Theo UBND TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã cấp phép và điều chỉnh vốn cho 195 dự án ĐTNN, tăng 30% về số lượng; tổng vốn đăng ký hơn 583 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng ghi nhận là mức vốn giải ngân nửa đầu năm đã đạt 450 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ, trong khi kết quả nộp ngân sách đạt gần 8 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Do là trung tâm sản xuất và giao thương đầu mối của khu vực phía Bắc nên Hà Nội có lợi thế thu hút nguồn vốn ĐTNN vào lĩnh vực này. Cụ thể, nguồn vốn mới cấp phép tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở phân phối buôn bán hàng hóa. Đặc biệt, những năm qua, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực phân phối diễn ra khá mạnh, là nguồn gốc cho sự xuất hiện một số siêu thị, trung tâm thương mại mang tầm vóc quốc gia, với thương hiệu nổi tiếng như BigC, Metro, Parkson… góp phần tạo dựng hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại trên địa bàn.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, khi cộng đồng doanh nghiệp (DN) đối diện nhiều vấn đề phải giải quyết là sự eo hẹp về nguồn vốn nhưng thực tế đạt kết quả khả quan như trên cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt, việc thu hút ĐTNN thời gian qua đã xuất hiện một thực tế đáng ghi nhận là phần lớn số vốn do DN nước ngoài đăng ký điều chỉnh tăng thêm đều là những dự án đã đi vào hoạt động từ trước. Điều đó thể hiện sự sàng lọc kỹ càng, đúc rút kinh nghiệm thực tế và hơn thế là sự tin tưởng vào khả năng bảo toàn vốn và phát triển tại Hà Nội của giới đầu tư.
Có được kết quả trên là do TP Hà Nội đã quan tâm thỏa đáng tới mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, phát huy thế mạnh của Thủ đô thông qua những biện pháp hữu hiệu. Cụ thể, lãnh đạo thành phố đã gặp mặt định kỳ với DN ĐTNN, nắm tình hình, tháo gỡ và giải quyết khó khăn cho DN. Hằng năm, Hà Nội đã tổ chức đối thoại giữa chính quyền thành phố với nhà ĐTNN nhằm mục đích thắt chặt quan hệ, cùng có lợi giữa hai bên thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tạo nguồn thu, việc làm trên địa bàn.
Đáng lưu ý là thành phố đã chọn Nhật Bản là đối tác lâu dài, tập trung vào việc hợp tác để đẩy nhanh tốc độ hình thành, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong những năm tới. Đây là mục tiêu quan trọng nhằm huy động và sử dụng hợp lý tiềm năng, nguồn lực tổng hợp, nhất là tận dụng sức mạnh về vốn và chất xám, nguồn lao động có tay nghề cao hàng đầu cả nước. Đặc biệt, thành phố đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư tại chỗ, với sự tham gia của 100 DN, hiệp hội ngành hàng Nhật Bản trong khuôn khổ triển khai đề án "Đẩy mạnh thu hút đầu tư từ Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo". Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa vào hoạt động "Bàn Nhật Bản" tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư để cung cấp thông tin tổng hợp, có hệ thống cũng như hỗ trợ thủ tục hành chính cho các DN, đối tác quan tâm.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục thúc đẩy công tác xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng điểm, trọng tâm; trong đó ưu tiên những đối tác truyền thống và giàu tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc và tập trung mời gọi các DN từ Mỹ, EU để tranh thủ nguồn lực cũng như sức mạnh công nghệ của các đối tác. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, xuất phát từ đặc thù và vai trò, vị trí của Thủ đô nên Hà Nội kiên trì định hướng thu hút các dự án có hàm lượng chất xám cao, tiêu thụ ít năng lượng, ưu tiên công nghệ mới và những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Các chuyên gia cho rằng, đây là mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài, mang đậm tính chất riêng của Hà Nội. Ngược lại, Hà Nội không khuyến khích, thậm chí từ chối những dự án sử dụng nhiều đất, trình độ công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng; đồng thời xử lý nghiêm dự án vi phạm quy định, gây ô nhiễm môi trường. Trên thực tế, đã có những đoàn DN nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Hà Nội, nhưng sau khi đánh giá tổng thể đã được cơ quan chức năng tư vấn thêm và giới thiệu để DN nước ngoài đến "ra mắt" các tỉnh bạn cho phù hợp với hoàn cảnh, yêu cầu thực tiễn của các bên. Vì vậy, Hà Nội có sự lựa chọn rõ ràng, nhất quán trong thu hút vốn ngoại, nhắm vào chất lượng và hiệu quả tổng thể chứ không dễ dãi trong quá trình chọn đối tác.
Dự báo, năm 2014 toàn thành phố sẽ thu hút được 1,3 tỷ USD vốn ĐTNN, tăng hơn 17% so với năm trước. Với những kết quả đạt được, Hà Nội luôn khẳng định được vai trò đầu tàu trong việc hấp dẫn nhà đầu tư ngoại ở khu vực phía Bắc.
Theo Báo Hà nội mới
|