Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 19-9, Chính phủ đã giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư xây dựng sân bay dân dụng Phan Thiết.
Tỉnh Bình Thuận cũng có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Công ty cổ phần Rạng Đông và các cơ quan liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải (GTVT), Quốc phòng… thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời thực hiện các bước tiếp theo bao gồm cả việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án theo hình thức BOT.
Trước đó, vào cuối năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt và công bố quy hoạch sân bay Phan Thiết. Theo đó, sân bay này có tổng diện tích 543 héc ta, thuộc địa bàn xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết.
Quá trình xây dựng sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng trên diện tích 360 héc ta, với một đường cất hạ cánh dài 2.400 mét. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng một khu nhà ga hành khách có diện tích khoảng 5.000 mét vuông, công suất tối đa 300 hành khách/giờ cao điểm (tương đương 500.000 hành khách/năm) và lượng hàng hóa đạt 10.000 tấn/năm.
Sân bay này sẽ được dùng chung cho cả dân sự và quân sự, có chức năng phục vụ bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.
Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 phát triển khai thác bay thường lệ, nếu thị trường phát triển tốt sẽ đạt khoảng 1 triệu hành khách/năm và 40.000 đến 50.000 tấn hàng hóa/năm.
Ước tính, chi phí đầu tư ban đầu cho sân bay Phan Thiết vào khoảng 5.600 tỉ đồng và dự kiến sẽ đón khách vào năm 2017.
Việc xây dựng sân bay Phan Thiết sẽ giúp Bình Thuận đẩy mạnh phát triển du lịch và rút ngắn thời gian đi lại từ TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng còn khoảng 45 phút, thay vì phải đi bằng đường bộ mất rất nhiều thời gian như hiện nay.
Hiện tại, Tập đoàn Rạng Đông đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ GTVT xin được đầu tư sân bay Phan Thiết.