|
Làng An Lư được công nhận là làng nghề vận tải biển truyền thống duy nhất của Hải Phòng và cả nước. Để giúp nhau cùng ra khơi, bám biển, ngày 15/8/1998, các Cty, DN vận tải biển An Lư đã cho ra đời Hiệp hội vận tải Đoàn kết An Lư với trên 104 Cty trách nhiệm hữu hạn và DN tư nhân. Tuy nhiên, hiện Hiệp hội này đang đứng trên bờ vực phá sản vì không thể tiếp cận được các nguồn vốn vay từ ngân hàng để đóng mới, sửa chữa và tổ chức kinh doanh, vận chuyển hàng hóa...
Thời kỳ hoàng kim, Hiệp hội vận tải Đoàn kết An Lư có trên 300 tàu, với tổng trọng tải ước trên 750.000 tấn, tổng giá trị tài sản 10.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, Hiệp hội chỉ còn còn 80/104 Cty, DN đang hoạt động; số lượng đội tàu vận tải thủy là 220 tàu, trong đó tuyến nước ngoài (chủ yếu là khu vực Đông Nam Á) có 20 tàu, tuyến Bắc - Nam có 98 tàu, tuyến nội địa có 102 tàu, tổng trọng tải 490.000 tấn.
Nằm bờ chờ hàng
“Cước phí vận tải thấp, trong khi các chi phí liên quan đến vận tải lại tăng cao, khó khăn chồng chất khiến hiệp hội vận tải thủy An Lư đang dần bị thu hẹp, doanh thu vận tải biển của hiệp hội rơi thẳng đứng từ gần 1.000 tỷ đồng/năm xuống còn 284 tỷ đồng/năm” - ông Bùi Văn Năm - Thu ký Hiệp hội vận tải Đoàn kết An Lư DN vận tải trong làng An Lư cho biết.
Theo ông Năm, giá cước vận tải tuyến Bắc - Nam năm 2007 là 360.000đồng/tấn (với hàng vào), hàng ra là 230.000đồng/tấn, bình quân là 295.000đồng/tấn. Hiện tại, giá cước chỉ còn 150.000đồng/tấn, giảm 49,2%. Giá cước giảm, tàu nhiều nên số vòng quay vận doanh tàu giảm từ trung bình 10 chuyến/năm xuống còn 7 chuyến/năm. Hàng hóa ngày càng khan hiếm buộc nhiều DN phải đánh tàu rỗng đi lấy hàng, thậm chí nhiều tàu phải nằm bờ hàng tháng trời. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng 247% từ 8.500 đồng/lít lên 21.050 đồng/lít, còn chưa kể đến nhiều chi phí phát sinh khác như: lương thuyền viên, tiền ăn, sửa chữa tàu...
Gần 140 DN, chủ tàu thuộc Hiệp hội vận tải đoàn kết An Lư đang thoi thóp ngóng chờ các ngành Trung ương và địa phương xem xét giải cứu... | “Nếu tình hình này không được cải thiện thì làng nghề vận tải An Lư sẽ phải dừng hoạt động. Nghĩa là nguồn vốn 5.000 tỷ đồng của các DN thuộc Hiệp hội vận tải đoàn kết An Lư sẽ bị đóng băng, không có khả năng sinh lời và không thể thanh toán cả nợ gốc lẫn lãi cho các ngân hàng (Tính tới thời điểm này, tổng nguồn vốn vay nợ ngân hàng cả nợ gốc và lãi của Hiệp hội vận tải Đoàn kết An Lư là 3.500 tỷ đồng)” - ông Năm lo lắng.
Thoi thóp chờ cứu...
Mới đây, ngày 27/2/2014, UBND xã An Lư có báo cáo số 04/UBND - BC về thực trạng làng nghề vận tải thủy và những kiến nghị, đề xuất. Báo cáo có đề xuất: “Các ngân hàng nên thông cảm hơn với hoàn cảnh của làng nghề vận tải thủy An Lư hiện nay. Từ đó, có các giải pháp hợp lý để giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi... trên cơ sở vận dụng chủ trương, chính sách của nhà nước và đặc thù của ngân hàng mình.
Để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có nhiều điều kiện hơn để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hiệp hội đề nghị Nhà nước xem xét: Chúng tôi có hợp đồng vận chuyển, mua bán hàng hóa đảm bảo tính pháp lý và thanh khoản cao, ngân hàng cho phép chúng tôi được dùng loại hợp đồng này làm bảo lãnh, tín chấp vay một khoản vốn hợp lý để trang trải ban đầu như: mua bán xăng dầu, vận tư, hàng hóa thiết yếu... cho công việc thực hiện hợp đồng vận tải; Giảm bớt mức lãi suất hàng tháng; Các Cty cho thuê tài chính không nên thu và bắt giữ tàu của các DN mà nên có chính sách điều chỉnh giảm mức trả nợ, thanh toán hàng tháng theo hợp đồng tín dụng; Các cơ quan đăng kiểm xem xét phí đăng kiểm, nên giữ mức đăng kiểm như trước đây, hoặc hướng dẫn DN những điều kiện cần và đủ để có thể tạo điều kiện cho chủ tàu được đăng kiểm như vậy tàu mới mới có thể tham gia hoạt động vận chuyển; Giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% cho các DN vận tải biển từ 3 đến 5 năm...”.
Lúc này gần 140 DN, chủ tàu thuộc Hiệp hội vận tải đoàn kết An Lư đang thoi thóp ngóng chờ các ngành Trung ương và địa phương xem xét các giải pháp giải cứu...
Ông Trần Văn Tề - Chủ tịch hiệp hội vận tải Đoàn kết An Lư - Giám đốc Cty TNHH Hoàng Phương:
Thời gian để đóng mới một con tàu khoảng 3.000 tấn là 2 năm, nhưng chúng tôi phải chịu lãi suất tính từ lúc ngân hàng giải ngân (khi tàu chưa được đưa vào hoạt động), đến lúc tàu đóng xong đi vào hoạt động thì tiền lãi đã được đẩy lên khá cao. Lãi mẹ đẻ lãi con, kế hoạch trả nợ ngân hàng của nhiều DN, chủ tàu bị đổ vỡ khiến các DN phải sống thoi thóp trong cảnh nợ nần chồng chất. Các ngân hàng thì xiết nợ, thu tàu buộc nhiều chủ tàu phải bán hoặc bàn giao tàu cho đơn vị khác một cách tiếc nuối. Hiện tại, phạm vi hoạt động cũng như kế hoạch sản xuất - kinh doanh của hầu hết các DN đã bị thu hẹp. |
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.
|