Đại diện gần 160 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may của Việt Nam và Ấn Độ đã trao đổi, chia sẻ và nắm bắt thông tin về các cơ hội hợp tác thương mại, nhất là thông tin về tiềm năng, thế mạnh ngành dệt may mỗi nước, cũng như các cơ chế, chính sách ở mỗi thị trường tại cuộc Hội thảo tổ chức ngày 26/9 tại Nam Định.
Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức.
Ông Đỗ Hữu Huy, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi-Tây Phi-Nam Á (Bộ Công Thương) cho rằng đối với Việt Nam, việc đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu dệt may, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định là hướng đi bền vững của ngành dệt may Việt Nam.
Còn theo ông Phạm Quang Thịnh, Phó Trưởng ban Quan hệ quốc tế - VCCI, để có thể chiếm 10% thị phần thế giới, ngành dệt may Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ trong chuỗi cung ứng.
Một số nước nhập khẩu hàng dệt may trong Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) yêu cầu các nước xuất khẩu phải có nguồn gốc hàng hóa, công đoạn sản xuất vải tính từ sợi phải được sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước thành viên TPP mới được hưởng mức thuế ưu đãi 0%.
Trong khi đó, Việt Nam chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu về nguyên liệu sợi trong nước. Với điều kiện xuất xứ nêu trên, các doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp Ấn Độ nói riêng đang tận dụng cơ hội nhanh chóng đầu tư vào Việt Nam để xây dựng các nhà máy sơn, dệt, nhuộm đón đầu TPP. Tại hội thảo, ông Mohit, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Hà Nội, cho biết Ấn Độ là nước xuất khẩu nguyên liệu bông, vải, sợi, các nguyên vật liệu cho dệt may lớn thứ hai thế giới, chiếm gần 14% thị phần thế giới; chiếm khoảng 24% năng lực quay sợi của toàn cầu.
Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng dệt may, song lại phụ thuộc về nguyên liệu đầu vào. Hiện nay, Ấn Độ mới chỉ cung cấp 2% đầu vào của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.
Theo ông Mohit, Ấn Độ hiện là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về sợi tự nhiên và nhân tạo, đây sẽ là điều kiện tốt cho hợp tác song phương trong thời gian tới. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm ngoái đạttrên 5 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2012.
Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt gần 2,3 tỷ USD và nhập khẩu từ Ấn Độ là 2,9 tỷ USD. Trong tám tháng đầu năm nay, thương mại hai chiều đạt gần 4 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Ấn Độ là điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, than đá, cao su, quặng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, hạt tiêu...
Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu là dược phẩm, thức ăn gia súc, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Tính đến tháng 8/2014, Ấn Độ có 83 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 256 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo và khai khoáng. Hai nước đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020.
Về lĩnh vực dệt may, Việt Nam hiện nằm trong nhóm năm nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Lĩnh vực này đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong hơn 20 năm qua khá ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh từ 0,1 tỷ USD năm 1990 lên hơn 20 tỷ USD năm ngoái, tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động.
Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sẽ đạt 23,5-24,5 tỷ USD năm nay.
Theo Vietnamplus
|