Đó là khuyến nghị của TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại Hội thảo phát triển DN Đà Nẵng do UBND Đà Nẵng tổ chức mới đây nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các DN và các sở, ban, ngành liên quan về Đề án Phát triển DN Đà Nẵng đến năm 2020.
Theo Phó Giám đốc Sở KHĐT Đồng Thị Bích Chính, dự thảo Đề án đã dựa trên sự khảo sát, nghiên cứu và phân tích cụ thể về tình hình thực tế để đưa ra định hướng, mục tiêu phát triển DN thành phố đến năm 2020, trong đó yêu cầu đạt tốc độ phát triển số lượng DN tăng thêm bình quân 10%/năm, giải quyết việc làm bình quân 31.000 người/năm, tổng vốn đầu tư từ khu vực DN chiếm từ 65-70% tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố, khu vực DN đóng góp khoảng 75-85% tổng thu ngân sách của thành phố.
Đề án cũng đưa ra định hướng phát triển theo ngành nghề và định hướng phát triển theo không gian dựa trên nền tảng phát triển sẵn có như công nghiệp chế tạo, chế biến, dệt may, da giày, hoá chất, cao su, nhựa, phát triển các ngành dịch vụ, nông nghiệp…; phát triển DN hoạt động theo lợi thế cạnh tranh của từng quận, huyện…
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc chia cắt không gian phát triển tạo sự manh mún, cát cứ không cần thiết; các ngành nghề sẽ phát triển một cách tự nhiên, theo nhu cầu của DN và xã hội chứ không phải là ý kiến chủ quan của chính quyền thành phố.
“Để phát triển DN, Đà Nẵng nên tiếp cận bằng phương pháp “đồng hành cùng DN”, chia sẻ những khó khăn và cho họ thấy chúng ta đang phục vụ họ. Chính quyền phải trở thành “đối tác” của DN, chủ động cung cấp các dịch vụ hành chính công, giảm bớt chi phí cho DN bằng cách giảm thủ tục hành chính; thực thi các chính sách, pháp luật thật tốt, giảm rủi ro về pháp lý cho DN, và đặc biệt, đội ngũ cán bộ của ngành phải có kỹ năng về kinh doanh, tài chính chứ không chỉ đơn thuần các kỹ năng quản lý”, TS Cung chia sẻ.
Về định hướng phát triển ngành nghề, theo TS Nguyễn Đình Cung, Đà Nẵng cần phải lựa chọn hướng đi thích hợp hơn, thay vì chọn ưu tiên các ngành như dệt may, da giày, cơ khí.. - những lĩnh vực không phải là thế mạnh, thì nên tập trung phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, thương mại - những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
Với những lợi thế của mình, Đà Nẵng nên đưa ra định hướng trở thành trung tâm logistics của khu vực, đủ khả năng làm tất cả các công việc liên quan đến cung ứng, vận chuyển, theo dõi sản xuất, kho bãi, thủ tục hải quan, phân phối… điều mà hầu như chưa có tỉnh thành nào tại khu vực miền Trung làm được.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Võ Duy Khương ghi nhận những ý kiến đóng góp đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, khoa học và có nhiều sáng tạo của các các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, các hội, hiệp hội DN và cộng đồng DN thành phố; đồng thời đề nghị ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, sớm hoàn chỉnh đề án.
UBND Đà Nẵng sẽ tiếp tục rà soát, xem xét lại tính khả thi của các kế hoạch, chương trình hỗ trợ DN đã ban hành, đồng thời đề xuất các giải pháp, chính sách mới, cụ thể và hiệu quả hơn. Thành phố cam kết thực hiện và đổi mới các cơ chế, chính sách nhằm giảm thiểu các rào cản, tạo động lực và môi trường thuận lợi cho DN phát triển bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh...
Theo Thời báo Ngân hàng.