Chính phủ và Hội đồng thẩm định Nhà nước đã nhất trí phương án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Theo đó, giai đoạn 1 dự án dự kiến sẽ huy động khoảng 6 tỷ USD vốn đầu tư, thực hiện trong thời gian từ 2020-2025. Đây là một trong những dự án quan trọng của quốc gia nên sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.
Chính phủ đã nghe Tờ trình của Bộ GTVT, cũng như báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Qua đó, các thành viên Chính phủ nhất trí về chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT hoàn thiện tờ trình, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, tờ trình của Bộ GTVT cần nói rõ hơn sự cần thiết của Dự án, trong đó đặc biệt phải lý giải cặn kẽ vì sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hoà. Bên cạnh đó, phải rất chi tiết quy mô, hiệu quả dự án, nguồn vốn cho dự án, liệu có ảnh hưởng đến nợ công hay không? Trên thực tế, đây là lần thứ hai Bộ GTVT đã có tờ trình Thủ tướng về việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Trong tờ trình lần này, Bộ GTVT đặc biệt chú trọng việc rút ngắn thời gian đưa vào sử dụng và giảm áp lực về huy động vốn. Theo đó, dự kiến sẽ có một đường cất, hạ cánh và một nhánh nhà ga sẽ được xây dựng và khai thác sớm (giai đoạn 1a) vào khoảng năm 2023, với kinh phí 5,66 tỷ USD tương đương khoảng 119.000 tỷ đồng. Khi đó, nhu cầu sử dụng đất trước mắt cũng chỉ cần 2.500ha thay vì phải giải phóng cùng lúc 5.000 ha.
Cũng tại tờ trình, Bộ GTVT khẳng định việc mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đạt công suất 40-50 triệu khách vào năm 2025-2030 là không khả thi. Vấn đề cải tạo sân bay Biên Hòa thành cảng quốc tế hỗ trợ cho Tân Sơn Nhất cũng tương tự như vậy, trong khi năm 2013 Tân Sơn Nhất đã đạt lưu lượng 20 triệu khách và sẽ chạm ngưỡng thiết kế 25 triệu vào 2, 3 năm tới. Trong khi đó, dự kiến con số này năm 2025 lên đến 40 triệu khách. Ngoài ra, tờ trình cũng bác bỏ giả thiết sử dụng các cảng hàng không ở miền Nam và Tây Nguyên để hỗ trợ Tân Sơn Nhất khi nói rằng, sân bay Cần Thơ cách TP. Hồ Chí Minh đến 175km còn sân bay Liên Khương cách 290km nên sự hỗ trợ là không lớn.
Dự án sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự kiến sân bay được thiết kế với công suất 20-25 triệu hành khách/năm, vốn đầu tư dự kiến xấp xỉ 6 tỷ USD sẽ thực hiện trong thời gian từ 2020-2025. Giai đoạn 2 của dự án khi có đủ điều kiện kinh tế, sân bay sẽ được thiết kế để nâng công suất khai thác lên mức từ 60-80 triệu hành khách/năm, dự kiến thực hiện sau năm 2030.
"Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là tất yếu, là sự cần thiết cho đất nước phát triển, phù hợp với chiến lược, phù hợp với quy hoạch. Đây là động lực quan trọng cho đất nước cất cánh”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định. Theo Bộ trưởng, tuy đã và đang có ý kiến trái chiều, song cảng hàng không về lâu dài đặc biệt tầm nhìn chiến lược là tối quan trọng, nhất là khi các hệ thống hạ tầng giao thông đang có sự kết nối và liên thông hướng tới sự phát triển bền vững.
Theo Đại đoàn kết.
|