Nhận định này được các chuyên gia quốc tế đưa ra tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2014 với chủ đề “Ngành bán lẻ trong kỷ nguyên mới: tầm nhìn và con đường thành công” do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 13/10.
Cập nhật thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2014 cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đàu năm 2014 đạt 2.145.470 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, cả năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 2.970.300 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo đánh giá của bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, trong năm 2014, thị trường bán lẻ toàn cầu đang có những thay đổi rất cơ bản và mạnh mẽ, tạo ra một môi trường kinh doanh đầy thách thức đối với các nhà bán lẻ. “Đây cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp thấu hiểu và điều chỉnh thành công chiến lược của mình phù hợp với bối cảnh chung”- bà Loan khẳng định.
Thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm tới được dự báo còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Theo kế hoạch đến năm 2020, cả nước có khoảng 1.200- 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Trong khi đó, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, đến cuối năm 2013, cả nước mới có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại các loại, số cửa hàng tiện lợi cũng mới chỉ có khoảng vài trăm, cùng 8.546 chợ các loại, khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình.
Trước thực trạng này, ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển theo hướng nào là câu hỏi được các CEO, Giám đốc Marketing và Chiến lược, Giám đốc Điều hành của các doanh nghiệp bán lẻ, các nhà cung cấp hàng hóa, cung cấp dịch vụ và các nhà đầu tư, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội… tham dự Diễn đàn đặt ra. Dù được đánh giá nhiều tiềm năng, song thương mại điện tử và bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam, từ tiềm năng đến hiện thực là con đường quá xa và đầy trở ngại.
Lý giải điều này, Ths. Đặng Thúy Hà- Giám đốc khách hàng khu vực miền Bắc Nielsen Việt Nam- cho rằng, điều này xuất phát từ thói quen mua sắm, thiếu lòng tin từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng, thiếu công cụ hỗ trợ, chưa tiện lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đối với các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, cũng thiếu sự chủ động và còn chưa chuyên nghiệp… Để thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, các nhà bán lẻ phải từ bỏ tư duy coi bán lẻ là những cửa hàng dưới dạng vật chất thuần túy, phải coi trọng tư duy coi bán lẻ là sự gắn kết với khách hàng qua nhiều điểm tương tác khác nhau.
Theo Báo Công Thương Điện Tử