|
Nằm trong quy hoạch nhóm cảng biển số 5, Bà Rịa-Vũng Tàu được biết đến như là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế cảng biển với nhiều cảng biển hiện đại và quy mô, có khả năng tiếp nhận những con tàu tải trọng lớn vào làm hàng.
Tuy nhiên, tuyến luồng này đang gánh chịu đủ loại đáy cọc, đáy chạy giăng tùy tiện, khiến việc lưu thông của các tàu biển qua lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo chân đoàn công tác liên ngành thuộc Ban chỉ đạo cưỡng chế, giải tỏa đăng đáy, bè nuôi trồng thủy hải sản hoạt động trái phép trong phạm vi vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi ghi nhận chỉ trong vòng một buổi sáng, lực lượng chức năng buộc các ghe đánh cá của ngư dân phải tháo dỡ nhiều phao nổi được đánh dấu trên mặt nước là nơi những đăng đáy di động người dân thả xuống trước đó.
Chứng kiến lực lượng liên ngành nỗ lực nhổ lên cái neo đáy dài gần 6m người dân thả chìm dưới luồng sông Thị Vải mới thấy mức độ kỳ nguy hiểm cho bất kỳ tàu thuyền nào đi ngang qua vướng vào. Ngoài ra, còn vô số dây lưới đan xen dưới lòng sông được ngành chức năng phát hiện.
Nếu tai nạn xảy ra, kinh tế cảng biển của Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ chịu ảnh hưởng to lớn khi các chủ tàu không dám đưa tàu vào làm hàng tại các cảng biển của tỉnh.
Có thể nói thời gian qua, những chướng ngại vật trên luồng Thị Vải đã gây ấn tượng không tốt đối với các hãng tàu. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các cơ quan chức năng đã nỗ lực hết sức mình để giải quyết tình trạng trên nhưng kết quả vẫn không được như mong muốn.
Từ năm 1996, vấn đề dẹp đăng đáy đã được tỉnh tính đến, Thế nhưng, phải đến tháng 6/2000, việc giải tỏa trắng đăng đáy trên luồng sông Thị Vải mới hoàn tất với việc bồi thường cho các hộ dân giải tỏa 213 miệng đáy, cọc trên toàn tuyến luồng.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, những hàng đáy lại xuất hiện và chuyển từ dạng đáy cọc trước đây sang hình thức đáy chạy, hay còn gọi là đáy phao, được giăng ra theo con nước, lúc chỗ này lúc chỗ khác và xuất hiện nhiều tại khu vực cảng Bason, Interfloor và cảng Baria Serece.
Đã có trường hợp, tàu biển vướng lưới đáy, kéo theo cả ghe tàu của chủ đáy bị nhấn chìm, gây thiệt hại không chỉ về tài sản mà còn thiệt hại cả về con người.
Ông Hoàng Bá Cường, Phó Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu tại Phú Mỹ, Phó đoàn công tác liên ngành cho biết: Đoàn liên ngành không thể lúc nào cũng có mặt trên tuyến luồng để nhắc nhở và xử lý kịp thời vi phạm. Trong khi đó, ngư dân thường lợi dụng thời gian vắng mặt của đoàn liên ngành để tiếp tục thả lưới, đăng đáy để mưu sinh. Các hộ dân cũng có nhiều hình thức đối phó với đoàn liên ngành như cắm các cọc đăng đáy chìm sâu dưới đáy sông và đưa những dây buộc phao nhỏ lên đánh đấu.
Trước thực trạng đáy chạy lấn chiếm luồng Thị Vải, năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra Quyết định số 1240 về việc thành lập “Ban chỉ đạo cưỡng chế, giải tỏa đăng đáy, bè nuôi trồng thủy hải sản hoạt động trái phép trong phạm vi vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”.
Tuy nhiên, như một vòng lẩn quẩn, lấn chiếm rồi giải tỏa, giải tỏa xong rồi lại bị lấn chiếm, thậm chí lấn chiếm ngay sau khi các lực lượng chức năng vừa xử lý xong hiện trường. Và người lấn chiếm không chỉ là người dân tại Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn từ các tỉnh miền Tây đến đánh bắt hải sản.
Hiểm nguy vì thế cứ ngày đêm rình rập trên tuyến luồng dài hơn 50 km này. Để giải quyết được thực trạng này, song song với công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng cần kiên quyết cưỡng chế, xử phạt nghiêm và duy trì tuần tra thường xuyên.
Có như vậy, tuyến luồng hàng hải quan trọng này mới được đảm bảo an toàn cho tàu thuyền lưu thông, góp phần đẩy mạnh đà phát triển của hệ thống cảng nước sâu quan trọng của cả khu vực Đông Nam Bộ.
Theo Tin tức.
|