Theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN-Ấn Độ (AITIG), Ấn Độ cam kết cắt giảm thuế quan đối với nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như hàng may mặc, dày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, than đá, cao su, sắt thép...
Trong Hiệp định FTA ASEAN-Ấn Độ, dệt may là một trong số những mặt hàng hai bên cam kết giảm thuế. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thêm một nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất, nếu tận dụng được nguồn nguyên phụ liệu dồi dào từ Ấn Độ.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Ấn Độ tháng 8/2009, hai bên đã ký kết Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN-Ấn Độ. Hiệp định gồm 24 điều với nội dung chính là thiết lập lộ trình cam kết giảm thuế đã được các nước ASEAN và Ấn Độ thống nhất. Ngoài ra, AITIG cũng quy định về quy tắc xuất xứ, thủ tục và cơ chế giải quyết tranh chấp, các biện pháp phi quan thuế, minh bạch hoá, chính sách, rà soát, sửa đổi cam kết, biện pháp tự vệ, ngoại lệ. Bên cạnh đó, nhân dịp ký kết Hiệp định AITIG, ngày 25/10/2009, Ấn Độ cũng đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ (MES).
Theo Hiệp định, lộ trình cắt giảm thuế được chia theo 5 danh mục có tiến độ và mức độ giảm thuế khác nhau, bao gồm Danh mục giảm thuế thông thường (NT), Danh mục nhạy cảm (SL), Danh mục nhạy cảm cao (HSL), Danh mục các sản phẩm đặc biệt và Danh mục loại trừ (EL).
Với tư cách là nước thành viên mới của ASEAN (CLMV), Việt Nam được cắt giảm thuế theo lộ trình dài hơn 5 năm so với các nước ASEAN và Ấn Độ. Tuy có lộ trình dài hơn nhưng Việt Nam vẫn được hưởng đầy đủ ưu đãi từ cam kết giảm thuế của Ấn Độ và các nước ASEAN khác.
Danh mục giảm thuế thông thường (NT) của Việt Nam gồm 80% số dòng thuế sẽ giảm xuống 0% ngày 31/12/2017. Trong đó, 9% tổng số dòng thuế sẽ được linh hoạt giảm xuống 0% từ 31/12/2020 (NT2). Danh mục loại trừ (EL) của Việt Nam gồm 485 dòng thuế, là những sản phẩm không thuộc đối tượng cắt giảm thuế. Với diện loại trừ rộng, hầu hết các sản phẩm mà Việt nam có nhu cầu bảo hộ đều được đưa vào Danh mục EL.
Về cam kết của Ấn Độ, Ấn Độ cam kết cắt giảm thuế quan đối với nhiều mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như hàng may mặc, dày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, than đá, cao su, sắt thép v.v. Ngoài ra, theo yêu cầu của Việt Nam, Ấn Độ nhất trí giảm thuế đối xuống còn 45% đối với cà phê và chè đen, và 50% đối với hạt tiêu vào năm 2018. Đây là các sản phẩm được cho là rất nhạy cảm với Ấn Độ nhưng lại có lợi ích xuất khẩu đặc biệt đối với Việt Nam.
Tăng cường quan hệ với ASEAN là trọng tâm chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ được ban hành năm 1991. Với sự ra đời của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ, đã mở ra một thị trường 1,8 tỉ người với GDP khoảng 3,8 tỉ USD.
Ấn Độ - Thị trường đầy tiềm năng
Với dân số trên 1,2 tỷ dân, có sức mua lớn, Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nền kinh tế giữa hai nước cũng có nhiều điểm bổ sung cho nhau. Hiện nay, Ấn Độ là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Về thương mại, thúc đẩy xuất khẩu là tác động lớn nhất và quan trọng nhất mà AITIG mang lại. Thông qua Hiệp định, hàng xuất khẩu của ta đã, đang và sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi. Thực tế chỉ ra FTA ASEAN-Ấn Độ đã góp phần tăng nhanh giá trị xuất khẩu giữa Việt Nam và các đối tác ASEAN với Ấn Độ.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ liên tục tăng trưởng ấn tượng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực năm 2010 đến nay và chênh lệch thương mại giữa hai nước được thu hẹp. Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2013, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng mạnh, mặc dù ta vẫn nhập siêu từ Ấn Độ tuy nhiên chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước được thu hẹp đáng kể.
Nếu xét về giá trị tuyệt đối, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ giai đoạn 3 năm từ 2011-2013 (đạt 5,7 tỷ USD Mỹ) cao gấp 5 lần kim ngạch giai đoạn 2007-2009 (1,13 tỷ USD). Xuất khẩu tăng trưởng ổn định hơn trong giai đoạn sau khi FTA có hiệu lực, năm 2010 tăng 136%, năm 2011 tăng 56%, năm 2012 tăng 15% và năm 2013 tăng 32%, tốc độ tăng trưởng trung bình 35%/năm, cao hơn so với các thị trường khác khu vực Châu Phi, Tây Á, Nam Á. Chỉ riêng trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ấn Độ chiếm xấp xỉ 3/4 tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nam Á.
Trong trao đổi thương mại giữa hai nước, cán cân thương mại hiện vẫn đang nghiêng về phía Ấn Độ, tuy nhiên thực tế 5 năm qua cho thấy, mức thâm hụt thương mại đang có chiều hướng thu hẹp. Năm 2008, mức thâm hụt là 1,7 tỷ USD thì tới năm 2013, thâm hụt thương mại đứng ở mức 529 triệu USD, mặc dù Ấn Độ vẫn là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khu vực.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng ấn tượng trên chủ yếu do đóng góp từ khối các doanh nghiệp FDI trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt lợi ích mà Hiệp định mang lại. Cụ thể, sau khi FTA có hiệu lực, ngày càng có nhiều hàng hóa của Việt Nam có giá trị gia tăng cao được xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ như điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo, phôi thép… Mặt hàng điện thoại và linh kiện mới chỉ xuất hiện thời gian gần đây song đã là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ, năm 2013 chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường, chủ yếu từ mặt hàng điện thoại di động của công ty Samsung Vina. Mặt hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng cũng do doanh nghiệp FDI xuất khẩu (nồi hơi). Mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn khác trong thời gian gần đây gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, trong khi đó, các sản phẩm truyền thống của Việt Nam như nông sản, hạt tiêu, hóa chất, gỗ… lại có kim ngạch xuất khẩu khá khiêm tốn sang thị trường Ấn Độ.
Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ còn tác động tích cực tới việc thu hút FDI từ Ấn Độ nói riêng và Thế giới nói chung vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài và Ấn Độ khi xem xét đầu tư vào Việt Nam, nhìn nhận FTA mà ta đã ký là lợi thế lớn để mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình.
Một tác động tích cực nữa đó là cùng với Hiệp định và việc Ấn Độ đã chính thức công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp hai bên, góp phần đưa hàng hóa xuất khẩu của ta vào thị trường Ấn Độ nơi có nhiều hàng rào bảo hộ và thường xuyên sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Nếu như từ năm 2000 đến 2009 có 6 vụ điều tra của Ấn Độ đối với hàng hóa Việt Nam thì từ năm 2010 đến nay chưa ghi nhận trường hợp điều tra chống bán phá giá hoặc tự vệ nào của Ấn Độ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Thách thức không nhỏ
Theo cam kết trong Hiệp định, nhiều mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam lại thuộc danh mục nhạy cảm của Ấn Độ, tức có lộ trình cắt giảm thuế chậm, như dệt may, da giày, sản phẩm nhựa, máy móc, thiết bị, phụ tùng. Còn một số mặt hàng như thủy sản, rau quả, thực phẩm chế biến, sản phẩm dệt may, phương tiện vận tải… lại thuộc danh mục loại trừ, tức Ấn Độ không cam kết giảm thuế.
Bên cạnh đó, khi chúng ta mở cửa theo Hiệp định, do cơ cấu xuất khẩu của ta và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng, sẽ có nhiều mặt hàng, ngành hay lĩnh vực phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc giải thể do không cạnh tranh được. Đây là thực tế của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà các bên tham gia cần phải đối mặt và nỗ lực để vượt qua.
Trong khi doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng tốt Hiệp định để thâm nhậm vào thị trường Ấn Độ đầy tiềm năng thì doanh nghiệp Ấn Độ khá năng động. Hiện có hơn 100 văn phòng đại diện của doanh nghiệp Ấn Độ tại thị trường Việt Nam để xúc tiến xuất khẩu hàng hoá, đầu tư.
Cơ hội còn rất lớn
Với vị trí của trung tâm trong khu vực ASEAN và Tiểu vùng sông Mêkông, Việt Nam là đối tác quan trọng trong mối quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Với AITIG, hai nước sẽ có thêm nhiều động lực hợp tác, không chỉ trong thương mại mà còn có tiềm năng rất lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, khai thác dầu khí, khoáng sản, đầu tư, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, chế biến nông sản, công nghệ thông tin, du lịch, hàng không, y tế, giáo dục... Thông qua đó sẽ tiếp tục tăng cường cho mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước và trong khu vực.
Trong thời gian tới, khi mức thuế xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ được cắt giảm theo lộ trình, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng lợi thế về thuế do Hiệp định mang lại. Sẽ có nhiều mặt hàng của Việt Nam được hưởng thuế 0-7% tại thị trường Ấn Độ và do cách tính thuế của Ấn Độ, hàng hoá của Việt Nam sẽ có lợi rất nhiều khi xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại tại Ấn Độ. Một trong những hoạt động điển hình là Hội chợ ASEAN-Ấn Độ-AIBF, sáng kiến do Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đưa ra tại hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ ở Thái Lan hồi tháng 9/2009 sau khi Hiệp định thương mại về hàng hóa ASEAN-Ấn Độ được chính thức ký kết, với mục tiêu tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư. Hội chợ được tổ chức thường niên từ năm 2011 tại Ấn Độ với sự tham gia của nước chủ nhà và 10 thành viên ASEAN.
Việc thực hiện các thỏa thuận của FTA ASEAN-Ấn Độ đang mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng đặt họ trước những thách thức, đòi hỏi cải thiện năng lực kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh. Do đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần chủ động hơn để nắm bắt tốt những cơ hội và vượt qua những thử thách mà FTA này mang lại.
Theo Chính phủ