Dù chính sách thuế, hải quan thời gian qua đã có nhiều sửa đổi theo hướng giảm bớt gánh nặng đối với DN, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, nhưng vẫn còn không ít vấn đề DN xuất nhập khẩu kiến nghị cần phải xử lý để DN có thể “thở và sống”.
Tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp năm 2014, vừa được tổ chức tại TP. HCM, ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty Giấy vi tính Liên Sơn nói rằng, ông rất không hài lòng với việc thu phí soi chiếu hàng trong container (đối với các doanh nghiệp thuộc làn đỏ) của ngành hải quan. “Các thiết bị soi chiếu cũng như công cụ làm việc khác của ngành hải quan được Nhà nước trang bị bằng tiền ngân sách, mà tiền này do doanh nghiệp và người dân đóng thuế. Tại sao bây giờ lại bắt doanh nghiệp phải nộp loại phí vô lý này?”, ông Linh nói.
Không chỉ là chuyện đóng thứ phí rất vô lý này, ông Linh cũng phản ánh thêm nỗi bức xúc của rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu về khoản phí mở tờ khai hải quan không được nộp tiền mặt mà phải chuyển khoản. Phí mở tờ khai có 20.000 đồng, nhưng doanh nghiệp phải tốn thêm 16.000 đồng để chuyển tiền qua ngân hàng. Nếu doanh nghiệp chậm trễ nộp số tiền này thì sẽ bị cưỡng chế.
“Tôi đề nghị các cơ quan chức năng bỏ khoản phí này đi, vì nó quá nhỏ, nhưng lại làm mất nhiều thời gian và công sức của doanh nghiệp”, ông Linh đề nghị.
Đồng cảm với những bức xúc này của doanh nghiệp, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ sẽ cùng ngân hàng xem xét về mức phí chuyển tiền này cho hợp lý hơn. Đối với việc chậm nộp phí mà bị cưỡng chế, Bộ Tài chính khẳng định việc nợ lệ phí không phải là nợ thuế và phí để cưỡng chế nên đơn vị hải quan nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp. Việc thu lệ phí này cũng có thể kiến nghị linh hoạt chấp nhận thu tiền mặt.
Về vấn đề thu phí soi chiếu container của doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, đây là việc làm sai và cần phải chấm dứt ngay. Ông Tuấn cho biết, việc thu phí này do các công ty kinh doanh cảng thu và Bộ Tài chính đã yêu cầu chấn chỉnh.
“Ngay cả việc xác nhận thông tin doanh nghiệp nợ thuế hay đã đóng thuế các cơ quan hải quan cũng phải tự liên hệ với nhau, chứ không được làm phiền doanh nghiệp. Đã có 3 cán bộ hải quan phải chuyển công tác vì vấn đề này”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Với mong muốn ngành thuế xem xét vấn đề của doanh nghiệp mình một cách thấu tình đạt lý để “doanh nghiệp có thể thở và sống”, đại diện Công ty TNHH Nhóm liên kết Châu Quốc Đạt nói rằng, năm 2013, Công ty có nhận được quyết định của Cục Thuế TP. HCM xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn vì thông báo sử dụng tiếp hóa đơn năm 2012. Thực tế, vào thời điểm đó, Công ty có nộp mọi giấy tờ thông báo về việc sử dụng hóa đơn, nhưng tổ tiếp nhận hồ sơ nói Công ty quá nhỏ nên không cần giấy tờ này. Sau 2 năm không có chuyện gì xảy ra, nhưng khi vấn đề lặp lại thì Công ty nhận được quyết định xử phạt. Tính đến cuối tháng 8/2014, Công ty đã nhận được 4 quyết định thông báo xử phạt, 1 quyết định phong tỏa tài khoản. Tìm hiểu vấn đề này, Công ty thấy mình không sai và làm đơn kiến nghị lên Cục Thuế TP. HCM và Tổng cục Thuế. Công ty đã nhận được câu trả lời quá thời hạn 90 ngày để khiếu kiện, cho nên không giải quyết.
“Một số cán bộ thuế xử lý vấn đề không thống nhất, chính sách thay đổi cũng không thông báo để các chi cục thuế chỉnh sửa. Chính sách áp dụng sai lại nhằm doanh nghiệp xử phạt. Và tại sao quyết định xử phạt doanh nghiệp thì vô hạn định, còn thời gian cho doanh nghiệp khiếu nại chỉ có 90 ngày”, vị đại diện trên bức xúc.
Trước thắc mắc của doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị Cục Thuế TP. HCM đọc lại điều luật về quy định xử phạt, mặc dù hết thời gian khiếu nại, nhưng vấn đề chưa được giải quyết thì cơ quan có trách nhiệm vẫn phải xem xét xử lý vụ việc. “Tôi đề nghị Cục Thuế TP. HCM phải giải quyết việc này trong tháng 11/2014. Nếu Cục thuế TP. HCM chưa giải quyết được thì doanh nghiệp cứ làm đơn lên Bộ Tài chính để Bộ xem xét giải quyết”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Tin nhanh chứng khoán.