Thay bằng việc phải chạy đi chạy lại làm việc với nhiều bộ, ngành để thông quan hàng hóa thì doanh nghiệp chỉ cần ngồi một chỗ, khai hồ sơ điện tử.
Ông Trần Quốc Định, Phó trưởng Ban cải cách hiện đại hóa Hải quan, Tổng cục Hải quan giải thích việc hình thành cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ giúp liên thông thủ tục hành chính điện tử giữa các Bộ, ngành, với cơ sở dữ liệu dùng chung.
Hiện nay, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục có liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu hoặc phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phải làm thủ tục với nhiều cơ quan, Bộ, ngành. Sau đó, đơn vị mới nộp các giấy phép cho hải quan để chờ quyết định thông quan hàng hóa.
"Ví dụ với phương tiện vận tải xuất nhập cảnh như tàu biển ở cảng biển quốc tế thì doanh nghiệp phải xuất trình hồ sơ cho 5 cơ quan, 6 đơn vị với số hồ sơ tương ứng. Sau khi các cơ quan này đồng ý thì mới gửi quyết định sang cho cảng vụ. Đó là căn cứ để cho phép doanh nghiệp xuất nhập cảnh", ông Định nói.
Tuy nhiên, khi cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển hoạt động thì doanh nghiệp chỉ phải gửi một hồ sơ điện tử duy nhất đến cổng thông tin điện tử quốc gia. Hồ sơ đó được lưu lại thành cơ sở dữ liệu dùng chung của 9 Bộ. Các cơ quan có liên quan sẽ xem hồ sơ điện tử đó trên cổng để cấp phép hoặc ra quyết định. Thông tin này sẽ được cập nhật tại cổng thông tin điện tử và cảng vụ căn cứ vào đó để ra quyết định cuối cùng về việc thông quan hàng hóa.
Trước mắt, có 9 doanh nghiệp đầu tiên được lựa chọn tham gia cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển. Cũng theo ông Định, hầu như các doanh nghiệp đều sẵn sàng tham gia.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, cổng thông tin một cửa quốc gia có ý nghĩa rất lớn. Doanh nghiệp chỉ phải gửi một hồ sơ bằng điện tử thay bằng hồ sơ giấy cho một đầu mối duy nhất. Việc trao đổi thông tin giữa các Bộ, ngành bằng điện tử sẽ giảm được nhiều thời gian. Doanh nghiệp có thể ngồi ở trụ sở để gửi thông tin, sử dụng thủ tục hành chính điện tử mang lại nhiều lợi ích cho daonh nghiệp, giảm nhầm lẫn so với hồ sơ giấy, tăng hiệu quả quản lý của doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Do đó, theo Thứ trưởng Tài chính - Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thời gian thông quan sẽ giảm khoảng 3,5 đến 4 ngày so với hiện nay. Thời gian giao lưu hàng hóa qua biên giới hiện của Việt Nam là 21 ngày, trong đó thời gian của hải quan là 28%, Bộ, ngành khác là 72%.
Cũng theo ông Tuấn, hệ thống một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế là kết quả kết nối dữ liệu dùng chung giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải. Theo kế hoạch đến cuối quý III năm 2015, cổng thông tin này sẽ kết nối với 9 Bộ ngành như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Quốc phòng... Tuy nhiên, việc triển khai hiện nay ở hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế còn nhiều thách thức do hạ tầng, dữ liệu của hai Bộ khá phức tạp.
Phát biểu tại buổi lễ kết nối, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết đây là một bước để hướng đến một cửa ASEAN. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cổng thông tin một cửa phải có sự tích cực triển khai của tất cả các Bộ, ngành và cần xây dựng quy chế phối hợp liên bộ.
"Có thể báo cáo Thủ tướng để ban hành quy chế nhằm tạo căn cứ pháp lý cho các cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc. Còn nếu chỉ thỏa thuận thì gây khó khăn cho cán bộ nghiệp vụ hoặc dẫn đến tình trạng trách nhiệm chưa đầy đủ, không có căn cứ kiểm điểm", Phó thủ tướng cho hay.
Ông Định cũng cho biết, để xây dựng cổng thông tin một cửa, bên cạnh việc xây dựng hạ tầng công nghệ còn cần hệ thống pháp lý để ràng buộc giữa các bộ, ngành. Theo ông, quy chế phối hợp thông tin giữa các cơ quan vừa được hoàn tất và lấy ý kiến để trình Chính phủ. Dự kiến trong tháng 11 văn bản sẽ được ban hành.
Theo VnExpress