Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết như vậy tại tọa đàm về giá cước vận tải do Bộ Giao thông vận tải tổ chức chiều 13/11.
Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, giá cước vận tải ở Việt Nam về mức giá thì không cao, mức giá cước phí vận tải hàng hóa ở Việt Nam là 0,148 USD/tấn/km, so với Hàn Quốc là 0,766 USD/tấn/km.
Nhưng cước phí vận tải hàng hóa trên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 0,012 % trong khi Hàn Quốc chỉ là 0,04%, tức theo thu nhập bình quân cước phí vận tải của Việt Nam cao gấp 3 lần của Hàn Quốc.
Cũng theo ông Hùng, tổng chi phí vận tải của Việt Nam là khoảng 11,8% GDP theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trong khi đó của Mỹ vào khoảng dưới 4,5%, Singapore vào khoảng 4,8%, của EU khoảng 5,8% và của Nhật khoảng 6%.
Ông Hùng nhận định, nếu giảm được chi phí vận tải thì sẽ đóng góp rất nhiều cho chi phí sản xuất kinh doanh và đời sống cũng như sản xuất của xã hội. Tuy nhiên, sau 9 lần giảm giá xăng dầu nhưng giá cước vận tải vẫn chưa có mức giảm tương ứng.
Khi nói về chưa thực hiện điều chỉnh giá cước trong đợt giảm xăng dầu kỷ lục này, ông Lê Triều Thanh, Phó tổng Giám đốc Vinalines cho biết, cước vận tải công ty chủ yếu theo tăng giảm theo cung cầu.
"Giá xăng dầu nhiều khi tăng mà giá cước chúng tôi vẫn giảm và từ đầu nay, giá cước của Vinalines giảm khá nhiều rồi", ông Thanh cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thì doanh nghiệp không phải không giảm mà chưa giảm và cũng không thể giảm đồng loạt được.
"Doanh nghiệp vẫn lừng khừng chưa giảm giá cước vận tải, tôi cho rằng đó là do giá xăng dầu thay đổi quá nhiều, mỗi lần giảm lại nhỏ giọt. Tôi nhất trí giảm nhưng không thể giảm ngay tức khắc được. Phải tính toán lại chi phí, nhiêu khê lắm", ông Thanh chia sẻ.
Theo bizlive