Thủ tướng cho rằng, lập một bộ quản tất cả vấn đề kinh tế, bảo vệ chủ quyền, khai thác dầu khí, vận tải, du lịch biển, quốc phòng, phát triển kinh tế biển...là khó khả thi.
Ý kiến của người đứng đầu Chính phủ trước đề xuất của ĐBQH cần thiết thành lập Bộ Kinh tế biển nhằm tập trung quản lý các lĩnh vực đầu tư phát triển liên quan tới kinh tế biển.
Nhiều câu hỏi về chủ quyền biển đảo, phát triển kinh tế biển được các ĐBQH đặt ra cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 19/11.
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, biển bạc nước ta giàu tài nguyên, mênh mông hàng triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền. 500 năm về trước Trạng Trình đã căn dặn chúng ta: “Biển Đông ngàn dặm dang tay giữ” và Nghị quyết TƯ 4 khóa X Đảng ta đã có Nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam. ĐB Đương đặt hỏi với Thủ tướng về phát triển biển đảo: “Những năm gần đây chúng ta đã có bước đầu tư đáng kể gì để phát triển kinh tế biển đảo?”.
|
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM): Chính phủ có giải pháp gì để giữ "Biển đông ngàn dặm dang tay giữ"? |
“Tôi cũng nhận thức được rằng để dang tay giữ ngàn dặm biển Đông thì thời gian tới cần bớt đầu tư công trên bộ để dành nguồn lực tăng cường đầu tư cho phát triển kinh tế biển. Nên thành lập Bộ Kinh tế biển trên cơ sở tách một phần chức năng của Bộ Tài nguyên & Môi trường và Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn để có một bộ chuyên tâm tham mưu cho Chính phủ quản lý nhà nước về phát triển kinh tế biển đảo”- ĐB Đỗ Văn Đương đề xuất.
Trước đề xuất của ĐB Đương, nhấn mạnh lại tầm quan trọng của biển và kinh tế biển trong sự phát triển chung của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ đã thực hiện đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo chủ quyền trên biển đã đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn cần làm tốt hơn nữa.
Trong đó có đầu tư để phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Chính phủ đã đang và tiếp tục làm, căn cứ vào khả năng ngân sách quốc gia, điều kiện nợ công để có kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền trên biển.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thành lập Bộ Kinh tế biển là khó khả thi |
Tuy nhiên, về đề xuất “bớt đầu tư trên bộ để đầu tư biển thì sẽ khó rạch ròi vì có khi đầu tư trên bộ nhưng lại cho biển. “Chúng ta cần có tinh thần phát triển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chính phủ đã và đang làm điều này, căn cứ vào khả năng ngân sách và nợ công, cũng đã có một nghị quyết để thực hiện việc này”, Thủ tướng nói.
Đối với đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển, Thủ tướng cho rằng lập một bộ quản tất cả vấn đề kinh tế, bảo vệ chủ quyền, khai thác dầu khí, vận tải, du lịch biển, quốc phòng, phát triển kinh tế biển...là khó khả thi. Vì hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên biển do Bộ Tài Nguyên & Môi trưởng đảm trách, còn từng lĩnh vực giao cho các bộ khác. Ví dụ khai thác thủy sản giao cho Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, hình thành Tổng cục Thủy sản; vận tải biển giao Bộ Giao thông vận tải. Hay như khai thác dầu khí trên biển giao cho Bộ Công thương, du lịch trên biển đảo phải giao Bộ VH&TTDL.
“Các lĩnh vực kinh tế biển khó chia tách rạch ròi, tổng hợp giao cho một bộ. Nhiệm kỳ này chỉ còn hơn 1 năm, chúng tôi đang chỉ đạo kiểm tra đánh giá. Ý kiến đại biểu nêu thành lập Bộ biển xin ghi nhận và nghiên cứu tiếp để cho nhiệm kỳ sau”- Thủ tướng trả lời.
Theo Info net
|