Đi vào thị trường chuyên biệt
Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp TMĐT, tỷ lệ thanh toán trực tuyến hiện nay chỉ vào khoảng 5-10% trong khi mảng giao hàng - nhận tiền (Cash On Delivery - COD) chiếm tới 90-95%. Ông Lương Duy Hoài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ giao hàng nhanh, cho rằng có đến 95% người mua hàng qua mạng muốn tận tay kiểm hàng rồi mới trả tiền. Cùng với nhu cầu sử dụng dịch vụ giao nhận chuyên nghiệp của các doanh nghiệp TMĐT, dịch vụ COD đang phát triển nhanh với sự tham gia của vài chục công ty lớn nhỏ tại Hà Nội và TPHCM.
Các sạp hàng kinh doanh nhỏ lẻ trên mạng cũng có xu hướng chuyển dần qua sử dụng dịch vụ giao nhận chuyên nghiệp. Trước đây, họ chỉ có thể chuyển hàng thông qua các hãng xe tốc hành hoặc lệ thuộc vào đội ngũ giao hàng bằng xe ôm, khá “phập phù” về chất lượng giao nhận và không chuyên nghiệp về hình ảnh.
Hiện đã xuất hiện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao nhận cho TMĐT như giaohangnhanh, giaohangso1, giaohangtietkiem... Tuy nhiên, một số do mới thành lập, nguồn nhân lực còn hạn chế nên chỉ giới hạn địa bàn hoạt động tại TPHCM, Hà Nội hoặc Đà Nẵng. Thậm chí, có những doanh nghiệp quy mô nhỏ chỉ khoanh vùng giao nhận ở TPHCM trong giai đoạn đầu, như giaohangso1, giaohang30s hoặc tochanh.vn.
Khi các “ông lớn” lên tiếng
Bên cạnh các công ty mới khởi đầu dịch vụ giao nhận hàng, các “ông lớn” trong lĩnh vực dịch vụ chuyển phát như VNPost, Viettel Post, Kerry TTC... cũng tỏ ra ngày càng quan tâm đến thị trường giao nhận cho TMĐT.
Ông Hoàng Quốc Anh, Tổng giám đốc Viettel Post (Tổng công ty Bưu chính), cho biết Viettel Post đang tăng cường các dịch vụ hậu cần cho TMĐT. Ông cho rằng nhóm khách hàng TMĐT đang tăng trưởng mạnh, đến 40%, so với trước kia. Năm 2014 là thời điểm thích hợp để Viettel Post đầu tư mạnh vào kho bãi, đội ngũ giao nhận, giám sát hành trình giao nhận... nhằm đón đầu sự phát triển của nhóm khách hàng này. Độ phủ của Viettel Post hiện khá áp đảo so với các doanh nghiệp khác, gần như đã phủ hết các tỉnh thành trên cả nước.
Cũng như vậy, nếu trước đây VNPost (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) chỉ tập trung vào nhóm khách hàng chuyển phát bưu chính thì nay họ đã tổ chức bộ phận kinh doanh dành cho các doanh nghiệp TMĐT. Về thanh toán, người mua hàng trực tuyến có thể trả tiền mặt tại bưu cục hoặc yêu cầu nhân viên bưu điện giao hàng và nhận tiền tại nhà.
Trong khi các công ty khối bưu chính tăng cường phục vụ nhóm khách hàng là các trang web bán hàng trực tuyến hay các sàn giao dịch TMĐT, thì dịch vụ giao nhận Seabornes (Công ty Song Bình) - đại lý độc quyền của FedEx Việt Nam chỉ cung cấp dịch vụ COD cho các trang web TMĐT quy mô lớn như Sendo, Zalora, Deca...
Theo đánh giá của các doanh nghiệp TMĐT, hiện vẫn chưa có nhiều công ty giao nhận đảm bảo được thời gian vận chuyển và độ phủ trên phạm vi toàn quốc nên “miếng bánh” thị trường giao nhận còn rất lớn. Trong tổng số hơn 80 đơn vị kinh doanh dịch vụ chuyển phát (có giấy phép chính thức) trong nước vẫn chưa có nhiều công ty chính thức tham gia cung cấp dịch vụ COD.
Bên cạnh các công ty giao nhận độc lập cũng bắt đầu xuất hiện mô hình cổng giao nhận trung gian, như Shipchung.vn hay Nhanh.vn. Các cổng giao dịch này tiếp nhận các yêu cầu giao nhận COD từ các doanh nghiệp TMĐT và chuyển chúng đến các công ty giao nhận như Viettel Post, giaohangnhanh, EMS (Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh bưu điện)...
Shipchung.vn ra đời cách nay hai năm. Dựa trên nền tảng giao dịch của các sàn giao dịch TMĐT chodientu.vn và ebay.vn, Shipchung từng bước phát triển thành cổng dịch vụ giao nhận hàng hóa cho các giao dịch TMĐT đầu tiên tại Việt Nam hoạt động theo mô hình trung gian. Hiện nay, Shipchung đang hợp tác với tám đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận, vận chuyển hàng hóa trên toàn quốc như Viettel Post, VietnamPost, Kerry TTC, giaohangnhanh, Netco (Công ty cổ phần Thương mại và Chuyển phát nhanh Nội Bài)...
Mới đây, Nhanh.vn cũng hợp tác với các công ty giao nhận để trở thành cổng giao nhận hàng hóa trung gian cho các giao dịch trực tuyến. Trước đây, Nhanh.vn chỉ chủ yếu phục vụ cho các giao dịch trên sàn giao dịch TMĐT vatgia.com.
Không chỉ là giao nhận
Nhiều người dự báo dịch vụ TMĐT trong giai đoạn sắp tới sẽ tiếp tục phát triển. Tuy các doanh nghiệp TMĐT có thể tổ chức đội ngũ giao nhận riêng cho mình ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... nhưng khi mở rộng phạm vi bán hàng thì họ phải hợp tác với các công ty giao nhận có phạm vi hoạt động trên nhiều tỉnh thành.
Và không chỉ là giao nhận hàng hóa. Một công ty logistics có thể làm thay cho doanh nghiệp TMĐT nhiều phần việc, từ trả lời điện thoại qua tổng đài, xử lý đơn hàng, quản lý kho bãi, đóng gói, giao hàng, thu tiền... Đến lúc đó, các doanh nghiệp kinh doanh trên mạng chỉ cần tập trung làm nội dung trang web, đảm bảo chất lượng hàng hóa, hệ thống kinh doanh trực tuyến và... ngồi chờ tiền chảy về tài khoản!
Ông Lương Duy Hoài cho biết Giaohangnhanh đã bắt đầu tổ chức quản lý kho bãi và tổng đài chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp TMĐT, sắp tới sẽ đáp ứng nhiều hơn các yêu cầu mở rộng dịch vụ của doanh nghiệp TMĐT và từng bước hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics cho TMĐT.
Nói về tương lai của dịch vụ logistics ở Việt Nam, ông Đinh Anh Huân, một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT, cho rằng các công ty giao nhận cần ứng dụng các công nghệ (như tự động hóa, giám sát hành trình bằng GPS...) để giảm thiểu chi phí giao nhận - vận chuyển hàng hóa xuống mức thấp hơn. Chi phí logistics trung bình hàng năm ở Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP trong khi ở Mỹ hoặc Thái Lan chỉ từ 7-18%.
Một số doanh nghiệp TMĐT cho rằng việc hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ logistics TMĐT của các công ty giao nhận trong nước sẽ trở thành hiện thực chỉ trong vòng 2-3 năm tới. Dự báo giai đoạn 2016-2017 sẽ xuất hiện thêm nhiều dịch vụ TMĐT mới.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn