|
Duy trì và giữ vững phong độ của nhóm ngành xuất khẩu “tỷ đô”, gạo, cà phê, hạt tiêu… tiếp tục là những mảng sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), sản lượng gạo xuất khẩu cả nước trong tháng 11 ước đạt 443 nghìn tấn với giá trị 217 triệu USD, nâng tổng sản lượng gạo xuất khẩu trong cả 11 tháng năm 2014 ước đạt 6,03 triệu tấn với kim ngạch 2,79 tỷ USD; giảm 2,7% về khối lượng nhưng lại tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2014 đạt 460,09 USD/tấn, tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013.
Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2014 tiếp tục là Trung Quốc với 31,1% thị phần. Tuy nhiên đáng chú ý nhất lại là thị trường Philippine khi thị trường này có sự tăng trưởng đột biến trong 10 tháng đầu năm với mức tăng gấp 3,47 lần về khối lượng và gấp 3,51 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Philippine đã vươn lên vị trí đứng thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 21,92%; tiếp đến là thị trường Malaysia, Ghana và Indonesia, chiếm thị phần lần lượt là 7,55%; 5,85% và 3,49%.
Cùng với gạo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ổn định. Theo đó, trong tháng 11/2014, xuất khẩu cà phê ước đạt 72 nghìn tấn với giá trị đạt 165 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 11 tháng qua ước đạt 1,56 triệu tấn với trị giá 3,26 tỷ USD, tăng 33,4% về khối lượng và tăng đến 32,2% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. CHLB Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2014 với thị phần lần lượt là 13,45% và 10,04%. Tuy nhiên thị trường Bỉ lại là thị trường có tốc độ tăng mạnh nhất, gấp 2,6 lần về khối lượng và gấp 2,4 lần về giá trị so với 10 tháng đầu năm 2013.
Riêng đối với ngành hàng tiêu, mặc dù theo dự báo trước đó của Hiệp hội tiêu Việt Nam, sản lượng xuất khẩu cả năm có thể đạt trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên thực tế xuất khẩu của ngành hàng này lại vượt xa so với kỳ vọng khi 11 tháng đầu năm 2014, tổng sản lượng tiêu xuất khẩu đã đạt 151 nghìn tấn với giá trị kim ngạch đạt 1,162 tỷ USD; tăng 18,1% về khối lượng và tăng tới 35,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Hiện nay giá tiêu Việt Nam xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2014 đạt 7.625 USD/tấn, tăng 14,26% so với cùng kỳ năm 2013. Về thị trường, xuất khẩu tiêu ghi nhận mức tăng ấn tượng tại các thị trường Hoa Kỳ, Singapore, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Ấn Độ và Hà Lan. Tính riêng 5 thị trường này đã chiếm 50% tổng thị phần xuất khẩu tiêu, trong đó thị trường Hoa Kỳ tăng 20,34% về khối lượng và tăng 34,45% về giá trị; Singapore tăng 47,64% về khối lượng và 85,87% về giá trị; UAE tăng 41,53% về khối lượng và tăng 68,54% về giá trị. Đặc biệt là thị trường Ấn Độ, tăng tới 89,12% về khối lượng và 2,19 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Nhận định về xuất khẩu tiêu Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội tiêu Việt Nam cho rằng: Năm 2014 là năm thứ 6 liên tiếp, giá tiêu Việt Nam liên tục tăng và có khả năng chi phối thị trường tiêu toàn cầu với thị phần dự kiến chiếm khoảng 60% tổng sản lượng. Tuy nhiên vấn đề lâu dài đặt ra, theo ông Nam là ngành tiêu phải cân đối lại quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa diện tích trồng tiêu giữa các vùng, miền trong cả nước, tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch dẫn đến “được mùa mất giá” như các loại cây công nghiệp khác…
Trong tháng còn lại của năm 2014, để duy trì sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, phấn đấu cán đích 28,5 tỷ USD như đề ra, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục tăng cường mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến nhóm hàng NLTS xuất khẩu. Mặt khác, Bộ và các cơ quan chức năng sẽ tập trung giải quyết rốt ráo vấn đề về vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên cơ sở đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng để đảm bảo vốn đến đúng địa chỉ cần thiết, đồng thời mở rộng định mức vay và giãn thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu NLTS./.
Theo VEN
|