Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều dấu hiệu suy giảm về tốc độ tăng trưởng khi tỷ lệ lạm phát xuống đến mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Bình luận về thực trạng này, tờ Thời báo Tài chính (Anh) ngày 10/12 cho rằng lạm phát thấp sẽ làm gia tăng áp lực tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ở Trung Quốc trong thời gian tới.
Tỷ lệ lạm phát tháng 11/2014 của nền kinh tế Trung Quốc giảm xuống 1,4%, thấp hơn so với mức 1,6% của tháng 10. Đây cũng là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 11/2009.
Trước đó, giới chuyên gia dự báo lạm phát của Trung Quốc trong tháng 11/2014 là 1,6%. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm khiến các nhà quan sát không khỏi quan ngại về nguy cơ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc suy yếu đi.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà kinh tế, sức ép lạm phát giảm xuống sẽ tạo thêm nhiều khoảng trống để Chính phủ Trung Quốc tính toán và triển khai những biện pháp nới lỏng tiền tệ. Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục yếu đi, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có thể sẽ hướng đến mục tiêu giảm lãi suất liên ngân hàng.
Tháng trước PBoC đã quyết định cắt giảm lãi suất huy động xuống còn 2,75% và lãi suất cho vay còn 5,6%. Để vực dậy nền kinh tế, có thể PBoC sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong nửa đầu của năm 2015.
Nền kinh tế trì trệ khiến mức cầu đối với các nguyên liệu như sắt thép, xi măng, hóa chất... trên thị trường Trung Quốc cũng giảm mạnh. Đây được coi là một thử thách rất lớn đối với các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.
Từ năm 2008 khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, mức nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng nhanh chóng. Sức ép thanh toán các khoản nợ hiện nay đang đặt ra nhiều khó khăn cho giới doanh nghiệp nước này.
Một số chuyên gia về thị trường lo ngại rằng Trung Quốc sẽ đối phó với nguy cơ giảm phát bằng việc hạ giá đồng Nhân dân tệ. Ngày 8/12 vừa qua, đồng Nhân dân tệ đã có mức giảm lớn nhất so với đồng USD kể từ năm 2008. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà phân tích tin rằng PBoC sẽ không chủ động giảm giá đồng Nhân dân tệ./.
Theo VIETNAM+