Không chỉ kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào các dự án hạ tầng cảng biển mới, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhiều khả năng sẽ tiếp tục xin Chính phủ chấp thuận cho Vinalines thoái mạnh hơn nữa vốn nhà nước tại một số cảng.
Sau khi Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép Vinalines bán tối đa 29,58% vốn điều lệ tại Cảng Hải Phòng cho Quỹ đầu tư VOI (Liên doanh giữa Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với Quỹ dự trữ quốc gia Oman), Vinalines tiếp tục soạn thảo đề xuất Chính phủ cho thoái hết vốn nhà nước khỏi cảng Quảng Ninh , nơi được định giá 622 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế vốn nhà nước là 500 tỉ đồng.
Cảng Quảng Ninh đã IPO hồi cuối tháng 5-2014, dự định bán ra 22,1% vốn nhà nước, với mức giá khởi điểm là 11.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đợt đấu giá không thành công vì chỉ bán được 7,5% khối lượng chào bán, thu về chưa đầy 10 tỉ đồng. Sau đợt IPO, công ty dự định bán tiếp số cổ phần bị ế vào tháng 6-2014. Tuy nhiên do không có nhà đầu tư nào quan tâm nên đợt đấu giá đã bị hủy.
Một nguồn tin cho TBKTSG Online biết lý do không bán được cổ phiếu cảng Quảng Ninh là do thời gian chuẩn bị IPO gấp gáp, trong khi tỷ lệ vốn nhà nước còn lại sau cổ phần hóa (CPH) quá cao. Nay, Công ty cổ phần tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển, cũng là Chủ tịch Ngân hàng SHB, đã đặt vấn đề mua toàn bộ vốn nhà nước tại cảng này.
Tuy nhiên, theo Đề án tái cơ cấu Vinalines đã được điều chỉnh, cảng Quảng Ninh thuộc danh mục Nhà nước nắm giữ 51% đến 65% vốn sau CPH. Với đề xuất của T&T, Vinalines sẽ phải trình Bộ GTVT và Chính phủ xin đồng ý về chủ trương. Nếu được chấp thuận, Vinalines sẽ xây dựng phương án bán cho T&T theo hình thức đấu giá hoặc thỏa thuận trực tiếp với mức giá chắc chắn không thể thấp hơn kết quả trúng đấu giá bình quân của đợt IPO hồi tháng 5-2014.
Nhà nước sẽ không rót vốn đầu tư vào cảng biển mới
Không chỉ muốn rút mạnh vốn nhà nước ra khỏi các cảng biển hiện có để thay đổi mô hình quản trị, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trong ngành, Bộ GTVT cũng tuyên bố sẽ không tiếp tục rót vốn đầu tư của Nhà nước vào việc xây thêm cảng, trừ các cảng phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng.
Trong cuộc họp triển khai thực hiện Đề án huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực hàng hải hôm 21-1-2015, ông Đỗ Đức Tiến, Phó cục trưởng Cục Hàng hải, cho biết: trong tháng 1, cục sẽ công bố danh mục các dự án kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng hải.
Danh mục này bao gồm 41 dự án với tổng vốn đầu tư 43 ngàn tỉ đồng. Trong đó có 10 dự án luồng tuyến vận tải hàng hải, 19 dự án cảng biển, 3 dự án hàng hải điện tử và 9 dự án neo đậu, tránh bão. Hiện đã có các nhà đầu tư đăng ký 7.000 tỉ/43.000 tỉ đồng vốn đầu tư cần có, chủ yếu là đầu tư vào các dự án cảng biển, bến neo đậu.
Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT, nhấn mạnh rằng dự án cảng nước sâu Lạch Huyện sẽ là dự án cuối cùng dùng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực hàng hải. Từ nay, các dự án cơ sở hạ tầng hàng hải sẽ do tư nhân đầu tư.
“Nhà nước chỉ đầu tư vào những dự án mà nhà đầu tư tư nhân không làm, những dự án có tính chất đảm bảo quốc phòng, an ninh,” ông Thăng nói. Các dự án kêu gọi đầu tư sẽ nêu rõ thứ tự ưu tiên, minh bạch thủ tục, trình tự.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn