Tân Sơn Nhất vượt ngưỡng 22 triệu khách/năm
Ngày 7/2, báo cáo Đoàn kiểm tra tình hình an ninh, an toàn tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất do ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy Ban Quốc phòng & An ninh Quốc hội dẫn đầu, ông Trần Doãn Mậu – Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết Cảng HK Tân Sơn Nhất không chỉ quá tải về nhà ga, sân đậu, đường CHC, khu bay mà ngay hạ tầng kết nối cũng quá tải.
Năm 2014, Tân Sơn Nhất (TSN) đón hơn 22 triệu lượt hành khách, tăng 10,48% so với năm 2013 trong khi công suất thiết kế tối đa chỉ 20 triệu lượt hành khách. Khả năng đáp ứng cao nhất của hạ tầng TSN chỉ đạt 500 taxi, trong khi nhu cầu giải phóng hành khách phải là 2.000 xe taxi/ngày.
Tân Sơn Nhất thiếu trầm trọng vị trí đỗ taxi, vị trí đỗ tàu bay
Điều này dẫn đến tình trạng ùn ứ tại khu vực nhà ga đến của quốc nội lẫn quốc tế, gây bức xúc cho hành khách vì thiếu phương tiện di chuyển. Các xe taxi phải luồn lách tìm chỗ đậu ở tất cả các con đường, ngõ hẻm gần TSN để chờ đón khách, gây ra mất trật tự ATGT và xã hội. Cảng vụ HKMN kiến nghị Đoàn công tác đề nghị Ủy ban Nhân dân TPHCM bố trí đất làm chỗ đậu cho 2.000 taxi, vị trí hợp lý gần TSN chính là ngay công viên Gia Định.
Việc hoàn thiện đường Phạm Văn Đồng (Bình Lợi – Tân Sơn Nhất) khiến phương tiện đổ dồn về hướng đường Hồng Hà, Đào Duy Anh, Bạch Đằng, Trường Sơn… làm cho tình hình ùn tắc thêm nghiêm trọng. Ông Mậu cho rằng TP cần có phương án phân luồng hiệu quả hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN Nguyễn Kim Khoa cũng thừa nhận khi đến TSN, bên trong thì thoáng, nhưng bên ngoài đã thấy tắc rồi, cần tính đến phương án phân luồng, nếu không cũng sẽ ảnh hưởng đến an ninh bên trong.
Trước cửa nhà ga Tân Sơn Nhất ùn ứ hàng đoàn taxi gây mất trật tự ATGT
Về giải pháp trước mắt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu TCT Cảng hàng không VN trong lúc chờ đợi TP chấp thuận về vị trí chỗ đậu nên tận dụng tối đa diện tích đất hiện có; ngầm hóa khu vực sân đậu xe máy, xe ô tô để tăng thêm diện tích sử dụng.
Chim trời, súc vật đe dọa an toàn hàng không
Ông Lê Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV) xác nhận tại buổi làm việc, việc kiểm soát chim và động vật hoang dã tại TSN và các cảng hàng không gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn bay. Có thời điểm an ninh nhặt được 40 con chim bị thương và chết khi máy bay vừa cất cánh. ACV đưa ra giải pháp là được đầu tư trang thiết bị đặc biệt để xua đuổi chim, kiến nghị Bộ quốc phòng cho phép sử dụng súng bắn đạn ria để các cảng HK sử dụng trong khu vực hoạt động bay.
Do hệ thống tường rào còn yếu, súc vật nuôi từ khu vực các đơn vị quân đội đóng quân đã lọt vào khu bay của TSN, lực lượng an ninh phải vất vả xua đuổi tiêu diệt để không uy hiếp đến an toàn bay.
Tính sơ bộ để xây dựng hoàn chỉnh hàng rào các cảng Hàng không cần số tiền 1.200 tỷ đồng, nếu hàng rào 4 lớp cảm biến đạt chuẩn an ninh của ICAO thì số kinh phí còn lớn hơn nhiều.
Gắn camera vẫn để lọt trộm cắp
Trả lời chất vấn của Ủy Ban Quốc phòng An ninh Quốc hội về việc chống mất cắp hành lý của khách, ông Đặng Tuấn Tú – Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết giải pháp hiện nay là kiểm tra 100% nhân viên ra vào làm việc, nhân viên tiếp xúc hành lý.
Kiểm tra thường xuyên và đột xuất khu vực băng chuyền, hành lý, máy soi và sân đỗ tàu bay. Thậm chí có hãng hàng không còn yêu cầu gắn camera vào người trong quá trình làm việc của nhân viên.
Tuy nhiên lỗ hổng nằm trong giai đoạn sắp xếp hành lý từ hầm lên container và quá trình đưa lên khoang hàng máy bay. Giai đoạn này, Cảng yêu cầu các hãng tự quản lý nhân viên của mình. Theo ông Tú, việc chống mất cắp phải làm đồng bộ bởi cũng có hiện tượng hành lý mất cắp từ sân bay đi.
Ông Nguyễn Kim Khoa tặng bức ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đại diện ACV và Cảng vụ HK Miền Nam
Hiện nay, Công an rất khó khởi tố nhân viên mặt đất ăn cắp hàng của hành khách vì không có người bị hại, người làm chứng (đa phần khách bị mất đồ đã lên máy bay di chuyển và nhiều người ngại trình báo, theo đuổi quá trình điều tra của cơ quan công an).
Đoàn giám sát của UB Quốc phòng và an ninh (Quốc hội) làm việc tại Tân Sơn Nhất về tình hình an ninh, an toàn ngày 7/2
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng hoạt động hàng không liên quan chặt chẽ với quốc phòng an ninh của đất nước.
Do vậy cần phải hội đủ 3 yếu tố: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phải đồng bộ kết nối hoàn chỉnh với đường bộ, đường sắt, hàng hải, nhân lực phải chuyên nghiệp kỷ cương và phải tăng cường cải cách hành chính. Theo ông Khoa, cần tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động hàng không dân dụng nhằm bảo đảm kinh tế an ninh quốc phòng. Cần tiếp tục khẩn trương hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, đảm bảo chặt chẽ thống nhất để phát triển ngành hàng không.
Theo Khám phá.