|
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 2 nhập siêu đã quay trở lại với 61 triệu USD trong khi cùng kỳ năm 2014, Việt Nam xuất siêu 1,35 tỷ USD.
Nhận định của giới chuyên gia cho thấy, việc chấm dứt chuỗi xuất siêu sau một thời gian dài hoàn toàn không phải do sự đi xuống của nền kinh tế. Bởi lẽ, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc nhập siêu phục vụ sản xuất là việc bình thường. Cùng với đó, nhập siêu nguyên liệu sản xuất để tận dụng các FTA có hiệu lực kỳ vọng sẽ tạo ra những bước tiến mạnh của nền kinh tế.
Bộ Công Thương cho biết: kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2 đạt 9,6 tỷ USD, giảm 28,4% so với tháng 1, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3 tỷ USD, giảm 25,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,6 tỷ USD, giảm 29,7%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch giảm nhiều so với tháng trước như cao su, sắt thép, điện thoại các loại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.
Như vậy, tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7 tỷ USD, tăng 0,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 16 tỷ USD, tăng 12,4%. Vì vậy, nếu gộp chung kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện 2 tháng đầu năm 2015 đạt 23 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2014. Điều đáng nói là giữ vững ngôi đầu trong tăng trưởng xuất khẩu là nhóm điện tử, máy tính và linh kiện với mức tăng 57,1%. Tiếp đến là: hạt tiêu; túi xách, vali, mũ, ô dù; giày dép; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác; hàng dệt may; điện thoại các loại và linh kiện.
Song hành với xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2 năm nay đạt 9,3 tỷ USD, giảm 32,4% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3,6 tỷ USD, giảm 32,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,7 tỷ USD, giảm 32,1%. Trong số các mặt hàng nhập khẩu có một số mặt hàng giảm nhiều tập trung vào lúa mỳ; khí đốt hóa lỏng; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu; sữa và sản phẩm sữa; bông; phân bón; dầu mỡ động thực vật; sợi dệt; điện thoại các loại và linh kiện.
Theo đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 23 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9 tỷ USD, tăng 6,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14 tỷ USD, tăng 23,4%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014 tập trung vào ô tô; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; điện tử, máy tính và linh kiện; sản phẩm chất dẻo; điện thoại các loại và linh kiện; sản phẩm từ dầu mỏ.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong tháng 2, xuất siêu của cả nước đạt 300 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 650 triệu USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 950 triệu USD.
Nguyên nhân chủ yếu do tháng 2 rơi vào thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, hầu hết các doanh nghiệp hoàn thành sớm hợp đồng xuất khẩu nên kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhập khẩu. Tính chung 2 tháng đầu năm, nhập siêu đạt 61 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,07 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,01 tỷ USD.
Bộ Công Thương chỉ đạo từ nay đến cuối năm bên cạnh các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của Việt Nam.
Theo TTXVN
|