Liên quan đến phân loại hàng hóa tại Luật Hải quan 2014, dự thảo Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XK, thuế NK và quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK (Thông tư chung) đã thay đổi và bổ sung nhiều quy định theo hướng thuận lợi hơn cho công tác phân tích, phân loại, lưu mẫu hàng hóa.
Bổ sung quy định chung về phân tích, giám định để phân loại hàng hóa
Theo phân tích của Cục Thuế XNK, để hạn chế những vướng mắc trong việc phân loại hàng hóa, tại khoản 5 điều 29 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đã quy định rõ: “Trường hợp bằng các máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện có tại Chi cục Hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan, công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa không đủ cơ sở để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan về tên hàng, mã số, chủng loại, chất lượng, khối lượng, trọng lượng thì yêu cầu các tổ chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan hải quan thực hiện việc phân tích phân loại hoặc giám định để xác định các nội dung trên.
Trường hợp cơ quan hải quan không đủ điều kiện để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan thì cơ quan hải quan trưng cầu giám định của tổ chức giám định theo quy định của pháp luật và căn cứ kết quả giám định để quyết định việc thông quan hàng hóa”.
Để hướng dẫn nội dung trên, tại dự thảo Thông tư chung Tổng cục Hải quan bổ sung quy định trường hợp cơ quan Hải quan thực hiện phân tích, gửi mẫu trưng cầu giám định, hướng dẫn người khai hải quan sử dụng dịch vụ giám định hoặc tra cứu cơ sở dữ liệu để thực hiện phân loại hàng hóa. Cụ thể:
“Trường hợp cơ quan hải quan không đủ cơ sở để xác định việc phân loại hàng hóa của người khai hải quan là chính xác thì thực hiện phân tích để phân loại hàng hóa.
Trường hợp cơ quan hải quan không đủ điều kiện thực hiện phân tích hàng hóa thì sử dụng dịch vụ giám định của các tổ chức giám định theo quy định của pháp luật về dịch vụ giám định thương mại.
Để phân loại hàng hóa, người khai hải quan có thể sử dụng các dịch vụ giám định hàng hóa của các tổ chức giám định theo quy định của pháp luật hoặc cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam để xác định các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa XK, NK làm cơ sở phân loại hàng hóa.”
Bên cạnh đó, áp dụng mức thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP: “Phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa”, dự thảo Thông tư cũng bổ sung hướng dẫn về sử dụng kết quả phân loại để áp dụng chính sách quản lý hàng hóa trên cơ sở thực hiện quy định tại các Biểu thuế, điều kiện, thủ tục, hồ sơ tại các danh mục chuyên ngành, các văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với hàng hóa XNK;
Sửa đổi thời hạn lưu mẫu
Quá trình triển khai thực hiện Điều 17 Thông tư 128/2013/TT-BTC phát sinh một số trường hợp khiếu nại kết quả phân loại nhưng do kết quả phân tích, DN đề nghị trích mẫu để giám định nhưng không còn mẫu do đã quá thời gian lưu mẫu tại cơ quan phân tích. Để giải quyết vướng mắc trên, đồng thời thực hiện đúng theo quy định tại Điều 36 Luật Hải quan, Điều 9 Luật Khiếu nại, Điều 32 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, trên cơ sở tính tổng số ngày xác định số thuế phải nộp đối với trường hợp giải phóng hàng chờ phân tích, giám định (30 ngày) và số ngày thực hiện quyền khiếu nại (90 ngày), Tổng cục Hải quan điều chỉnh thời hạn lưu mẫu phân tích từ 90 ngày lên 120 ngày.
Đặc biệt, quy định mới tại dự thảo Thông tư đã bổ sung hướng dẫn về thông báo kết quả phân tích kèm mã số phân loại đối với những mẫu hàng có kết quả phân tích trùng với thông báo kết quả phân loại của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành trước đây theo hướng quy định trường hợp mẫu hàng hóa có kết quả phân tích đáp ứng các tiêu chí về tên hàng và mã số hàng hóa hoặc có bản chất hàng hóa và mã số hàng hóa giống với nội dung thông báo kết quả phân loại của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành để các đơn vị phân tích hải quan kiểm tra, đối chiếu và thực hiện thông báo kết quả phân tích kèm mã số phân loại.
Bổ sung hướng dẫn về gia hạn, kéo dài thời gian ban hành kết quả phân loại trong trường hợp thông báo kết quả phân tích, loại hàng hóa trong trường hợp mẫu khó, nhiều mẫu được dự thảo Thông tư quy định theo hướng: Trường hợp hồ sơ yêu cầu phân tích có từ 02 mẫu hàng hóa trở lên, mẫu hàng hóa phức tạp cần phải có thêm thời gian thì thời hạn phân tích, phân loại được kéo dài nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Sửa đổi việc Thông báo kết quả phân loại
Theo phản ánh của một số đơn vị hải quan địa phương, quá trình thực hiện tại cửa khẩu, việc xác định mẫu hàng chưa đủ điều kiện phân tích của các đơn vị phân tích hải quan chưa thống nhất dẫn đến khó kiểm soát việc gửi mẫu trưng cầu giám định, có thể phát sinh việc phân loại chưa thống nhất do mỗi đơn vị hải quan có quan điểm phân loại khác nhau.
Vì vậy, để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Điều 29 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, thống nhất việc phân loại hàng hóa trong toàn quốc, Tổng cục Hải quan sửa đổi hướng dẫn tại Điều 17 Thông tư 128/2013/TT-BTC theo hướng cơ quan phân tích hải quan sẽ là đầu mối tiếp nhận mẫu hàng hóa, thực hiện gửi mẫu trưng cầu giám định đối với mẫu hàng chưa đủ điều kiện phân tích, nhận kết quả giám định từ các tổ chức giám định. Thủ tục thực hiện phân loại hàng hóa trưng cầu giám định tương tự như phân loại hàng hóa phải phân tích - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành kết quả phân loại.
Cục Thuế XNK phân tích, sửa đổi hướng dẫn về phân loại hàng hóa đối với máy móc, thiết bị thuộc các Chương 84, Chương 85 và Chương 90 của Biểu thuế NK ưu đãi là các máy liên hợp hoặc tổ hợp máy theo nội dung chú giải 3, 4, 5 Phần XVI của Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam, tại khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 đã quy định về các trường hợp được thực hiện khai bổ sung đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan và hàng hóa đã được thông quan khi người khai hải quan xác định có sai sót trong việc khai hải quan.
Để đảm bảo nội dung về phân loại hàng hóa được quy định tại một thông tư, Tổng cục Hải quan đã chuyển nội dung điều 97 Thông tư 128/2013/TT-BTC vào Thông tư này, đồng thời sửa đổi, bổ sung về thời gian tiếp nhận đăng ký danh mục máy móc thiết bị ngay sau khi người khai hải quan nộp hồ sơ; việc khai bổ sung thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Hải quan và Điều 20 Thông tư chung.
Bên cạnh đó, bổ sung hướng dẫn về phân loại hàng hóa là những máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời thường do yêu cầu đóng gói, bảo quản hoặc vận chuyển để đảm bảo tiếp tục thực hiện nội dung hướng dẫn trừ lùi các chi tiết, linh kiện rời của máy móc, thiết bị nguyên chiếc, NK từ nhiều nguồn, nhiều chuyến, tại nhiều cửa khẩu khác nhau, nâng cao tính pháp lý của Công văn đã hướng dẫn, Tổng cục Hải quan đã chuyển nội dung Công văn 1280/BTC-TCHQ vào Thông tư này, đồng thời hướng dẫn việc tiếp nhận đăng ký danh mục máy móc thiết bị thực hiện ngay sau khi người khai hải quan nộp hồ sơ.
Theo baohaiquan.vn