Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tại các cảng biển cả nước, đặc biệt tại Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Ninh, hiện đang tồn đọng gần 10.000 container, phần nhiều là vô chủ và 90% số container này chứa phế liệu - có thể nói gọn là rác thải nhập về từ nước khác.
Đáng lo ngại, số rác thải này rất độc hại, khó phân hủy, có loại 50 năm sau mới phân hủy hoặc rất tốn kém mới xử lý được như phế thải đồ điện (thủy tinh, bóng đèn, dây điện, ắc quy, đồ nhựa…), phế thải điện tử (bàn phím, máy tính, linh kiện máy tính, đồ nhựa), máy móc, đồ gia dụng... Điển hình, ở cảng Hải Phòng hiện có 5.000 container vô chủ, trong đó trên 1.000 container từ 20 đến 40 tấn chứa rác thải để đã chục năm nhưng không có chủ hàng đến nhận, nhiều container đã gỉ mục trơ cả hàng bên trong. Mỗi khi trời mưa, rác ngấm nước chảy ra bãi chứa thành vũng. Ngày nắng, hơi a xít, đồ nhựa, mực in… bốc lên nồng nặc.
Nguyên nhân của tình trạng trên là doanh nghiệp hám lợi, mua phế liệu giá rẻ dưới dạng tạm nhập tái xuất. Trong khi đó, với doanh nghiệp xuất khẩu, họ "sẵn lòng" bán rẻ vì ở nước sở tại chi phí tiêu hủy rất cao. Sau khi chúng ta thay đổi chính sách, tiến hành kiểm soát chặt chẽ, không cho nhập khẩu (kể cả tạm nhập) loại hàng nguy hiểm này, các doanh nghiệp "bỏ của", không nhận hàng (bởi đứng ra nhận hàng, trả lại thì bên bán không nhận chưa kể cước vận tải đắt, tiêu hủy rất tốn kém, hơn cả giá trị hàng hóa). Thế là hàng nghìn tấn rác thải độc hại chồng chất tại cảng cả chục năm vô thừa nhận.
Để giải quyết vấn đề trên, về lâu dài cần tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp không vì lợi nhuận cục bộ mà biến nước ta thành bãi rác của các nước phát triển. Mặt khác, cần bằng các giải pháp hành chính để giải tỏa "hàng… rác" tồn đọng. Nếu chỉ cảng hay ngành GTVT không thôi thì không thể giải tỏa triệt để mà cần có sự tham gia của nhiều ngành, đặc biệt là các ngành tài chính (thuế), kho bạc (vốn ngân sách), ngân hàng (tín dụng). Thêm nữa, những điều này rất quan trọng: Phải bằng giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn container chứa… rác nhập khẩu; đồng thời phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hoạt động này. Nếu không, nguy cơ các doanh nghiệp vì hám lợi mà biến đất nước thành bãi rác sẽ hiển hiện.
Theo Hà Nội mới.
|