GDP quý 1/2015 tăng 6,03% là con số khiến gây nhiều bất ngờ ngay cả với các thành viên Chính phủ, bởi đánh giá của các chuyên gia tại cuộc họp của nhóm tư vấn Chính phủ, tăng trưởng có thể đạt 5,5 – 5,6%.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, GDP cả nước quý I/2015 tăng 6,03% so với cùng kỳ năm 2014; cao hơn nhiều so với mức tăng 5,06% của cùng kỳ năm trước, so với quý 1 các năm thì tăng trưởng quý 1/2015 cao nhất kể từ 2008.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 8,35%; lĩnh vực dịch vụ tăng 5,82%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm trước
Sản xuất lấy lại đà tăng trưởng
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả ba khu vực kinh tế chính đều đạt mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 8,35%; lĩnh vực dịch vụ tăng 5,82%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu trên cho thấy, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đã vươn lên và đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung của GDP cả nước. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2014 như: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,51%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%...
Số liệu tăng trưởng GDP tháng 3 trở thành một trong những tâm điểm trong phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày ¼, với kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng tăng trưởng GDP trong quý 1/2015 đạt 6,03% là con số thực. Thủ tướng đánh giá: “Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây, tăng chủ yếu là do tăng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo”.
GDP tăng ấn tượng còn mang lại niềm vui trọn vẹn hơn khi lạm phát ở mức rất thấp, kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp một mặt hạn chế áp lực lên đời sống người dân, một mặt giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tốc độ tăng trưởng cao. sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định.
Báo cáo tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ cho thấy, tình hình kinh tế vĩ mô quý 1/2015 tiếp tục xu thế ổn định và tốt hơn, thu ngân sách đảm bảo tiến độ so với dự toán mặc dù chịu tác động tiêu cực của giá dầu giảm trên thị trường thế giới... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10%; tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 9,1% so với quý 1/2014; tổng kim ngạch xuất khẩu ước tăng khoảng 6,9%;…
Số liệu tăng trưởng GDP gây nhiều bất ngờ, nhưng thực tế tình hình kinh tế quý 1 đã xuất hiện nhiều yếu tố tích cực đã làm GDP tăng trên 6%, như sản xuất công nghiệp chế tạo, khai khoáng, khí đốt, dầu thô tăng. Còn nếu loại bỏ các yếu tố này thì GDP sẽ chỉ tăng đúng khoảng 5,6%.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, nhập khẩu vừa qua tăng mạnh, thì chủ yếu là phục vụ sản xuất, với 80% là hàng máy móc, thiết bị. Ngay cả nhập khẩu ôtô tăng, nhưng là ôtô tải, nghĩa là đều phục vụ cho sản xuất, vận chuyển vật liệu, chở đất cát chứ không phải xe du lịch, đi chơi. Con số doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động hiện tăng hơn 12% cũng góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP trong quý 1.
Quý 2 thận trọng với lạm phát
Có thể thấy rằng kinh tế quý 1 năm nay tốt hơn nhiều so với các năm trước. Trong đó sản xuất công nghiệp tăng gấp đôi, tổng cầu tiêu dùng phục hồi, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng tăng cao hơn năm trước. Theo dự báo, tình hình kinh tế vĩ mô quý II/ cả năm 2015 tiếp tục xu thế ổn định, lạm phát được duy trì ở mức thấp, tăng trưởng GDP được dự báo cao hơn cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, thời gian tới vẫn chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi như kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn và giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng và xuất khẩu; giá dầu thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Theo công bố của Tổ công tác liên bộ về điều hành kinh tế vĩ mô, việc tăng giá điện và giá xăng dầu trong Quý I sẽ có tác động trực tiếp và gián tiếp đến lạm phát trong quý II, tiếp tục có tác động trễ dến các quý tiếp theo. Tổ công tác dự báo, mức tăng giá xăng, điện vừa qua sẽ tác động vào mức tăng chung quý II là 0,8% và vào mức tăng chung của CPI 6 tháng là khoảng 0,84%.
Với mức tăng trưởng GDP ấn tượng của Quý 1, còn quá sớm để khẳng định kinh tế Việt Nam đã trở lại tốc độ tăng trưởng cao. Một số yếu tố bất lợi như kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn và giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng và xuất khẩu, giá dầu thế giới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Dù tình hình kinh tế Việt Nam cải thiện, báo cáo của ADB gần đây đánh giá: Trong ngắn hạn, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn quá trình củng cố sức mạnh của hệ thống ngân hàng. Triển vọng cải thiện của tăng trưởng kinh tế trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào khả năng cải cách cấu trúc sâu hơn nữa, đặc biệt trong việc hỗ trợ các DN trong nước gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo vccinews