Nhiều chuyên gia cho rằng việc tàu hàng 56.200 tấn vừa được đóng mới là một trong những giải pháp để cứu tàu ma sắp bán sắt vụn của Vinashin
Vừa qua, công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Đông Bắc (Dongbacshin) đã tổ chức lễ bàn giao tàu hàng Trường Minh Dragon 12.500 tấn cho Công ty CP quốc tế Trường Minh. Đây là chiếc thứ hai trong lô tàu 4 chiếc mà Dongbacshin thực hiện.
Ngay sau đó, Dongbacshin ký tiếp với công ty Trường Minh hợp đồng đóng tàu hàng cỡ lớn 56.200 tấn. Tuy nhiên, đây không phải là con tàu được đóng mới hoàn toàn bởi nhà máy đóng tàu Nam Triệu đã được đóng ở Công ty Công nghiệp tùa thủy Nam Triệu từ năm 2011. Nhưng sau đó, Vinashin rơi vào giai đoạn khủng hoảng và bị giải thể, tái cơ cấu, còn tàu dù đã hoàn thành các phân đoạn nhưng đành phải nằm đắp chiếu.
Đánh gia về vấn đề này, ông Hoàng Hùng - Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký hội Khoa học Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho rằng để có được liên tiếp các hợp đồng từ cùng một nhà đầu tư như vậy cho thấy công ty CP quốc tế Trường Minh đã thực sự làm ăn có lãi.
"Dù không biết họ là ai, họ đang kinh doanh tập trung vào mặt hàng nào, nhưng khi họ quyết định đóng 4 con tàu cỡ nhỏ và mua thêm một tàu cỡ lớn như vậy đủ để thấy trong lĩnh vực vận tải hàng hải, họ đang rất có lãi." - Ông Hùng nhận định.
Ông Hoàng Hùng cho biết thêm: "Và việc doanh nghiệp làm ăn có lãi, quyết định đầu tư để mua thêm tàu để phục vụ kinh doanh cũng khiến các doanh nghiệp khác, như Dongbacshin được hưởng lợi trực tiếp và Nam Triệu được "thơm lây". Như vậy là một tin rất vui cho ngành vận tải biển và cả ngành đóng tàu của Việt Nam sau thời gian dài ảm đạm vừa qua."
Trong khi đó, chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình cũng cho rằng đây là một tin vui của ngành đóng tàu. Tuy nhiên, đây chỉ là một sự may mắn, không phải là màn bứt phá ngoạn mục của vận tải biện Việt Nam hay cả nền kinh tế nước ta nói chung.
Ông Bình nhận định: "Với mỗi quốc gia biển, việc phát triển ngành vận tải biển là điều tất yếu. Và minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển này là ngành công nghiệp đóng tàu trong quốc gia ấy phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam đã trải qua một giai đoạn đau thương do sai lầm về tầm nhìn và cách điều hành quản lý, dãn đến một hậu quả như Vinashin và Vinalines."
"Tuy nhiên, nói như vậy không phải để đay nghiến quá khứ, những sai lầm đã mắc phải, mà để nhìn lại và tiếp tục bước tiếp. Không phải chúng ta cứ ngã một lần để rồi không dám đi lại vào con đường ấy. Dù sao vẫn phải nhớ rằng Việt Nam là một quốc gia biển và tương lai của đất nước là nằm ở biển." - Ông Bình nhấn mạnh.
|
Lễ ký kết hợp đồng tàu 56.200 tấn giữa Trường Minh và Dongbacshin |
Quay trở lại với con tàu 56.200 tấn mà Dongbacshin hoàn thiện cho Nam Triệu, ông Đỗ Thái Bình chia sẻ: "Đây là một tín hiệu vui. Ít nhất họ đã giúp cho Vinashin giải quyết một con tàu ma. Và đồng thời, việc mua một con tàu gần xong với giá sắt vụn và đóng hoàn thiện rồi bán với giá tàu mới, Dongbacshin chắc chắn có lãi trong thương vụ này.
Tuy nhiên, phải nói rằng Dongbacshin đã gặp may khi tìm được một nhà đầu tư biết làm ăn trong thời buổi khó khăn này. Ngoài ra thì đây không phải là tin vui của ngành đóng tàu hoặc các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam, một mình chủ đầu tư mua con tàu ấy chỉ khẳng định rằng vẫn còn những doanh nghiệp có sức bươn chải, bám trụ trong cơn bão kinh tế này, chứ không thể hiện cả ngành đã có thể vượt bão được."
Ông Đỗ Thái Bình nhận định: "Việc mua lại các con tàu Vinashin đang dảng dở, hoàn thiện rồi bán đi là một cách làm tốt để giải cứu chính những con tàu đó thoát số phận sắt vụn. Ngoài ra, nhiều lớp tàu mà Vinashin đóng trước đây còn có thể cải hoán làm nhiều nhiệm vụ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai sẽ mua con tàu đó. Không thể có nhiều lần gặp may như Dongbacshin được. Rất nhiều nhà máy đóng tàu của Việt Nam có năng lực, nhưng đóng cho ai, ai sẽ bỏ tiền mua những con tàu ấy lại là bài toán vô cùng khó giải vào thời điểm này."
Theo báo Đất Việt.
|