Dự án đầu tư kinh doanh Trung tâm đường sắt Logistics Yên Viên của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) mới đây được ví như tiếng gọi thức tỉnh sau trăm năm “ngủ quên” của ngành đường sắt. Với sức hút đầu tư lớn, dự án hứa hẹn nhiều bước chuyển, đặt viên gạch nền móng cho chủ trương xã hội hoá ngành đường sắt và chiến lược phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Trì trệ, xuống cấp
Đó là thực tế về cơ chế hoạt động lẫn chất lượng dịch vụ của ngành đường sắt Việt Nam bấy lâu nay. Không ít người đặt câu hỏi, tại sao khi sống giữa thời đại công nghiệp, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đô thị hiện đại, thế nhưng Việt Nam vẫn có những con đường huyết mạch được lưu thông với “tốc độ”, công nghệ của hàng trăm năm về trước?. Đã đến lúc, ngành đường sắt phải dùng đến từ “xã hội hoá”, phải xoá bỏ độc quyền và phải được đầu tư xây dựng lại. Việc đưa Dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh trung tâm đường sắt Logistics Yên Viên vào thời điểm này được cho là việc làm phù hợp.
Thực tế hiện nay, hệ thống kho bãi của Ga Yên Viên chưa được quy hoạch, sắp xếp hợp lý, thao tác bốc xếp thiếu chuyên nghiệp khiến cho doanh nghiệp mất nhiều thời gian vận hành, chi phí tốn kém, do vậy, không thu hút được những khách hàng có nguồn hàng ổn định. Điều này cũng làm giảm thiểu đi vị trí địa lý quan trọng của Ga Yên Viên, nơi trung chuyển, kết nối với các tuyến đường sắt đi các tuyến nội như ga Sóng Thần, Vinh, Đà Nẵng, tuyến quốc tế liên vận là Trung Quốc hay với các cảng biến lớn: Hải Phòng, Cái Lân…
Cũng do nguồn vốn có hạn nên đến nay, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mới sửa chữa cải tạo được 3.000m2 trên diện tích 17.000m2 bãi hàng container tại ga Yên Viên. Thực tế này cũng khiến hàng chục năm qua, hàng hoá trung chuyển qua ga chỉ đạt gần 1/3 công suất và lượng hàng trung chuyển có xu hướng giảm từ 10 đến 15% mỗi năm.
Cần thiết phải đầu tư xây dựng
Trước thực trạng nêu trên, thực hiện đề án vận chuyển container bằng đường sắt nhằm giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ và Đề án kết hợp hài hoà giữa các phương thức vận tải trên tuyến Hải Phòng – Lào Cai do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt phải nâng cao năng lực vận tải, năng lực xếp dỡ cũng như xã hội hoá công tác xếp dỡ và kết nối vận tải đường ngắn tại các ga đầu mối, trong đó có ga Yên Viên, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã nghiên cứu đề án Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh trung tâm đường sắt Logistics Yên Viên nhằm giảm tải đường bộ, kết nối hiệu quả giữa các tuyến đường sắt và các cảng biển…
Theo dự án này, ngoài những dịch vụ đường sắt cơ bản, trung tâm Logistics Yên Viên sẽ cung cấp những dịch vụ chuyên biệt nhằm đáp ứng yêu cầu đa dạng khác nhau của các khách hàng như cung cấp dịch vụ vận tải đường sắt với các loại hàng nguyên container; quản lý kho hàng; vận tải, chuyển kho; dịch vụ quản lý chuổi cung ứng…
Với mục tiêu tăng tần suất tàu chạy của dịch vụ vận chuyển hàng hoá đường sắt, thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ đường sắt…, việc xây dựng thành công đề án trung tâm Logistics Yên Viên sẽ mang lại những giá trị kinh tế lớn của xã hội thông qua việc phát triển cơ sở hạ tầng của ngành đường sắt, giảm bớt các tác hại của việc xuống cấp hệ thống đường quốc lộ 5 và quốc lộ 18 cũng như giảm bớt sự phụ thuộc vào đường bộ.
Dự án khi đưa vào sử dụng cũng sẽ giảm thời gian thao tác vận hành xếp dỡ hàng tại gia Yên Viên, qua đó, giảm đáng kể thời gian giao nhận hàng đối với chủ hàng cũng như kết nối hiệu quả với các phương tiện giao thông vận tải khác như đường bộ và đường biển.
Để thực hiện đề án này, ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có buổi gặp gỡ các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đường sắt. Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, để góp phần phát triển kinh tế xã hội cũng như các ngành nghề khác, hạ tầng GTVT phải đi trước mở đường. Do vậy, phải hiện đại hóa đường sắt hiện có, nâng tốc độ tàu, chuẩn bị các điều kiện xây dựng tuyến đường sắt đôi… Chính phủ cũng sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế và huy động tối đa mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phương tiện vận tải, kinh doanh vận tải đường sắt theo quy hoạch và đúng quy định của pháp luật.
Với nhiều lợi thế trông thấy, các dự án đầu tư xây dựng đường sắt hiện đang được không ít những ông lớn sẵn sàng bỏ cơ hội đầu tư như Vingroup, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty liên doanh đường sắt Logistics ITL ...
Bộ trưởng cũng yêu cầu, VNR phải tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa; Xây dựng hoàn chỉnh các đề án để công khai minh bạch thông tin về các dự án kêu gọi nhà đầu tư. Tập trung đến hết quý II/2015, không chỉ có ga Yên Viên mà 2 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức xã hội hóa khác của lĩnh vực đường sắt cũng phải được khởi động.
Lãnh đạo ngành giao thông cũng chỉ đạo, Bộ và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật… trong lĩnh vực đường sắt. Về huy động nguồn vốn, xây dựng, ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và kinh doanh đường sắt theo hình thức Hợp đồng BOT, PPP, BT…
Góp phần thúc đẩy việc phát triển của hoạt động logistic nói chung và hoạt động kinh tế đường sắt nói riêng, hiện Logistics Yên Viên đang được Bộ GTVT xem xét cho phép triển khai theo hình thức BOT và tìm kiếm chủ đầu tư có đủ trình độ, năng lực vào thực hiện. Với vai trò ga đầu mối, kỳ vọng đây sẽ là điểm trung chuyển hiệu quả, đánh dấu sự thay đổi tích cực của ngành được sắt vốn đã lạc hậu, “ngủ quên” từ hàng trăm năm nay.
Theo báo Xây dựng.