|
Từ năm 2014 đến nay, thị trường vận tải hàng không đang tăng trở lại với mức tăng trưởng 4,8%/năm. Trong đó Châu Á chiếm 40% lưu lượng vận tải, cao nhất thế giới và VN là tâm điểm của khu vực này.
Đó là nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải hàng không tại hội nghị “Hậu cần vận tải hàng không VN 2015” do Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Cục Hàng không VN (CAAV) phối hợp Cty truyền thông Logistics Việt Nam tổ chức mới đây tại TP HCM.
VN tăng trưởng nhanh nhất khu vực
Theo số liệu từ Cục Hàng không VN: VN hiện đang thu hút 50 hãng hàng không quốc tế từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không đạt mức tăng trưởng 12% giai đoạn 2010 - 2014 về hành khách và 12,6% về hàng hóa. Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không VN đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không.
Tại hội thảo, ông Cyrille Picard - Giám đốc Marketing bộ phận máy bay vận tải, Airbus - Pháp nhận định: Vận tải hàng không đang tăng mạnh mẽ trở lại trên toàn cầu, trong đó tăng trưởng mạnh nhất là các nước đang phát triển. VN nằm trong thị trường phân khúc này và có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Lượng hàng hóa vận tải hàng không ở VN tăng gấp 3,5 lần từ năm 2003 đến 2014 và sự tăng trưởng GDP ổn định 6%/năm là những tiêu chí dự báo nguồn cung cho ngành vận tải hàng không tốt nhất.
VN có đầy đủ các yếu tố tác động đến sự phát triển của thị trường vận tải hàng không thế giới, như: các tập đoàn nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại VN, nhưng hàng hóa thì được đưa đến người tiêu dùng trên toàn thế giới. Mặt khác, hiện nay VN đang chuyển dần nền kinh tế sản xuất công nghiệp sang sản xuất hàng hóa công nghệ cao, đó là những sản phẩm có nhu cầu vận chuyển hàng không rất lớn. Đây là cơ hội cho ngành vận tải hàng không.
Thử thách của VN là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ vận tải hàng không và cơ sở hạ tầng điện tử chưa đáp ứng được nhu cầu. | Ở một góc nhìn khác, ông Clement Blanc - Tổng giám đốc DHL Giao nhận toàn cầu cho biết: đang có sự dịch chuyển của các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang VN. Để tận dụng cơ hội này, VN cần kết hợp những điểm mạnh của Hà Nội - TP HCM để tạo ra điểm thu hút hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, ngành vận tải hàng không VN cần thêm máy bay nhỏ để vận chuyển hàng hóa. Khách hàng không muốn chờ 5 - 6 ngày mới có một chuyến hàng mà họ muốn hàng hóa phải được chuyển đi ngay, nhiều chuyên gia tại hội thảo nhận xét.
“Hãy thắt dây an toàn”
Mặc dù VN có sự tăng trưởng cao của hoạt động vận chuyển hàng không, nhưng sự phát triển đó cũng đặt ra nhiều thách thức: làm thế nào để VN có thể đón đầu và đáp ứng được như cầu của sự phát triển? Ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ logistics VN trăn trở: với việc ký kết các Hiệp định tự do thương mại, VN sẽ có cộng đồng kinh tế chung ASEAN, các quốc gia trong khu vực sẽ trở thành thị trường chung, hàng hóa vận chuyển tự do và hội nhập toàn cầu. Đây là cơ hội cho một bầu trời mở. Nhưng thử thách của VN là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ vận tải hàng không và cơ sở hạ tầng điện tử chưa đáp ứng được nhu cầu. Sức mạnh thương mại điện tử sẽ bùng nổ rất nhanh và trở thành nền tảng vô cùng quan trọng trong việc kết nối chuỗi dịch vụ vận tải hàng không. Giải pháp này phụ thuộc vào việc ban hành các chính sách từ Chính phủ, từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước ở VN.
Ông Nestor Scherbey, Tổng giám đốc Cty Tư vấn Hải quan Thương mại và Quản trị rủi ro, nhận định: Khi VN tham gia các hiệp định tự do Châu Âu, Châu Á và nhiều hiệp định thương mại khác, một thị trường rộng lớn và tự do đang mở ra. Nền kinh tế sẽ có cơ hội phát triển và tăng trưởng GDP. Nhưng các bạn hãy chuẩn bị “thắt dây đai an toàn” bởi vì chúng ta sắp đi vào “cơn bão”. Trong hội nhập toàn cầu, ngành vận tải hàng không VN đang bước vào điểm trải nghiệm về cải cách thủ tục hải quan và kèm với đó là những khó khăn thách thức. Trong cải cách thủ tục hải quan, VN cần ưu tiên xây dựng quy trình thủ tục hải quan điện tử và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan. Hải quan VN cần được củng cố và thực thi các chuẩn mực chung khi tham gia “cuộc chơi”, ông Nestor Scherbey cho biết.
Ghi nhận những những ý kiến đóng góp xây dựng của các chuyên gia, ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không, cho biết, Cục Hàng không sẽ nghiên cứu báo cáo Bộ Giao thông vận tải, ban hành những chính sách cụ thể; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý có liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho DN.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.
|