Đề án “Kết hợp hài hòa các phương thức vận tải trên hành lang TPHCM – Cần Thơ – Cà Mau” vừa được Viện chiến lược và phát triển giao thông hoàn thiện, có mục tiêu chính là nâng cao vai trò vận tải đường thủy để giảm tải cho vận tải đường bộ.
Theo đề án, tổng khối lượng vận tải hàng hóa đến 2020 dự báo là 93,5 triệu tấn (tăng bình quân 7,7% giai đoạn 2016-2020), trong đó vận tải đường bộ vận chuyển 25,3 triệu tấn (chiếm 27,10%); vận tải đường thủy nội địa 62,3 triệu tấn (chiếm 66,83%); vận tải sông pha biển 5,67 triệu tấn (chiếm 6,07%).
Do đó, theo Viện chiến lược và phát triển giao thông, ngay từ bây giờ Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp chủ cảng, chủ tàu, chủ hàng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải ven biển, như ưu đãi về đất, thuế, phí, hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cảng container, thiết bị xếp dỡ chuyên dùng.
Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần tăng cường xã hội hoá đầu tư, khai thác bến xe hàng, cảng thủy nội địa, cảng biển; đầu tư xây dựng mới một số trung tâm đầu mối gom, phân phối hàng hóa tại các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, TPHCM...
Các việc cụ thể cần phải thực hiện là nâng cấp tuyến đường thủy TPHCM – Cà Mau cho đoàn sà lan container trên 2.000 tấn lưu thông; nâng cấp tuyến kênh Xà No và tuyến duyên hải đoạn qua Đại Ngãi – Bạc Liêu – Giá Rai; nâng cấp, cải tạo một số cảng sông quy mô lớn có khả năng xếp-dỡ container tại các vị trí trung tâm để thực hiện chức năng gom, trung chuyển hàng hóa như cảng Bình Long (An Giang), An Phước (Vĩnh Long), Long Bình (TPHCM); xây dựng mới cảng hàng hóa đường thủy nội địa Cai Lậy (Tiền Giang)…
Bên cạnh đó phải phát triển đoàn phương tiện chuyên dùng vận tải container (loại 36, 54, 72, 120 TEU), đồng thời cải thiện khả năng xếp dỡ hàng container trên các tuyến vận tải thủy nội địa, cũng như đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 2 Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo, nạo vét, mở rộng luồng lên 80 mét cho sà lan container trên 2.000 tấn lưu thông…
Về đường biển thì khẩn trương đưa tuyến vận tải ven biển Bình Thuận - Kiên Giang vào khai thác kết nối các cảng khu vực TPHCM, Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau; trước mắt sử dụng loại tàu trên 1.000 DWT, định hướng phát triển đội tàu cỡ 2.000 - 4.000 DWT; cải tạo luồng sông Hậu cho tàu trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải lợi dụng thủy triều, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu trên các tuyến vận tải biển khu vực, trực tiếp đến cảng trung chuyển đầu mối.
Ngoài ra, cần hoàn thành dự án kênh Quan Chánh Bố tiếp nhận tàu 10.000 DWT đầy tải, 20.000 DWT giảm tải; cải tạo luồng qua cửa Tiểu, luồng qua cửa Định An tiếp nhận tàu 5.000 DWT- 10.000 DWT; luồng qua cửa Bồ Đề tiếp nhận tàu 3.000 DWT; đầu tư cải tạo cụm cảng Cần Thơ thành cảng đầu mối của vùng; và một số cảng biển có quy mô lớn như cảng Mỹ Tho, cảng Năm Căn... có khả năng tiếp nhận tàu cỡ 4.000 DWT.
Đối với đường bộ, cần tăng cường siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, tập trung kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm tải trọng trên các tuyến Cao tốc TPHCM - Trung Lương, QL1A, QL50, QL61..., nâng cao khả năng vận tải hàng hóa đường bộ để gom hàng đến các cảng đường thủy nội địa tại Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang, và lập quy hoạch hệ thống bến xe hàng và trung tâm phân phối hàng hóa tại các đô thị, các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong vùng để thu gom hàng hóa về các cảng thủy, cảng biển…
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.