Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định số 1481/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án Tái cơ cấu vận tải biển đến năm 2020.
Đề án nhằm phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý và phát triển bền vững, tăng thị phần vận tải đường biển và đường thủy nội địa, đường sắt, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính; nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vận tải và đảm bảo an toàn, an ninh và môi trường. Đồng thời, phát triển vận tải đa phương thức, logistics và kết nối hiệu quả các phương thức vận tải với vận tải đường biển.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả; chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dụng có trọng tải lớn. Đến năm 2020, tổng trọng tải đội tàu đạt khoảng từ 6,8 đến 7,5 triệu DWT.
Đồng thời, tái cơ cấu vận tải biển theo hướng chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tuyến quốc tế, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc dầu, ga, khí hóa lỏng, xi măng; Nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên 25 - 30%. Phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo. Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa là 21,25%, vận tải hành khách là 0,07% so với khối lượng vận tải toàn ngành giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, phát triển thị trường vận tải biển bảo đảm khả năng hỗ trợ cho vận tải đường bộ, đường sắt và đường hàng không; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đến năm 2020 giảm 15-20% chi phí hiện tại. Phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
Nhiều giải pháp thực hiện
Để đạt được mục tiêu trên, đề án đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện như: đổi mới thể chế chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển ngành và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển; tái cơ cấu và cổ phần hóa các doanh nghiệp; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và giảm chi phí; khuyến khích thu hút đầu tư ngoài ngân sách.
Đồng thời, phát triển vận tải biển và dịch vụ hàng hải; tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả và phát triển hài hòa các phương thức vận tải, phát triển vận tải đa phương thức và logistics. Bên cạnh đó, ưu tiên sắp xếp lại các nhà máy đóng và sửa chữa tàu phù hợp với các đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy và các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực tàu thủy; nghiên cứu, lựa chọn đối tác chiến lược cho ngành công nghiệp tàu thủy, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị các tập đoàn đa quốc gia...
Ngoài ra, còn có nhiều giải pháp về bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, vận tải biển.
Theo Chinhphu.vn