Theo Bộ Công Thương, chỉ trong ba tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang Trung Quốc đã tăng rất mạnh, với mức 131 triệu USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua đã tăng trưởng khá cao, bình quân 26,5% mỗi năm, từ 439 triệu USD trong năm 2009 lên gần 1,1 tỷ USD vào năm 2013.
Rau quả Việt Nam đã được xuất khẩu trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 10 thị trường xuất khẩu chính được liệt kê là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.
Tính đến thời điểm này, thị trường Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, thường chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Điển hình, trong ba tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sang Trung Quốc tăng rất mạnh, đạt 131 triệu USD, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong các sản phẩm rau quả xuất sang Trung Quốc, riêng quả thanh long đã chiếm tới 58,8% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này. Nhu cầu tiêu thụ thanh long tăng cao tại Trung Quốc và giá xuất khẩu tăng đã góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thanh long.
Cũng theo Bộ Công Thương, thời gian gần đây, phía Trung Quốc đã thắt chặt quản lý chất lượng, tăng cường kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng nông lâm thủ sản, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Cùng với đó, việc quy phạm hoá, chuẩn hoá thương mại biên giới cũng được Trung ương đẩy mạnh thực hiện. Trước sức ép của các cơ quan Trung ương, chính quyền các địa phương ở khu vực biên giới cũng tăng cường quản lý theo hướng chặt chẽ hơn, quy phạm hơn tại các cửa khẩu trao đổi thương mại biên giới đường bộ Việt – Trung, là nơi tập trung hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong khi đó, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu được thực hiện qua con đường tiểu ngạch, các đối tác phía Trung Quốc thường xuyên áp dụng các chính sách thương mại biên giới của địa phương, với các hình thức buôn bán không ổn định, nên việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn và rủi ro bất thường.
Đứng sau Trung Quốc là thị trường Nhật Bản, với thị phần chiếm khoảng 6 – 8% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm 2015 đạt kim ngạch 15,7 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2014. Đóng góp chính trong kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản 3 tháng đầu năm 2015 là sản phẩm hoa cúc, với kim ngạch đạt 2,4 triệu USD, tăng 20,6% (chiếm 18,5% tổng kim ngạch xuất khảu rau quả sang Nhật Bản). Tiếp đến là cà tím cắt khúc chiên hoặc nướng với kim ngạch đạt 2,2 triệu USD, tăng 45%. Xuất khẩu khoai lang tươi và chế biến đạt 1,2 triệu USD, giảm 3%...
Bộ Công Thương cho biết, hiên tại các sản phẩm như nước quả cô đặc, quả đóng hộp và rau chế biến như cá tím chiên, đậu bắp luộc, ớt đang rất được ưa chuộng tại Nhật Bản. Gần đây Nhật Bản cũng đã bắt đầu nhập khẩu vải tươi và ngô ngọt…
Đứng ở vị trí thứ 3 trong Top những thị trường nhập khẩu rau quả nhiều nhất từ Việt Nam là Hoa Kỳ, với thị phần chiếm khoảng 5 – 6% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Trong 3 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ đạt 12,8 triệu USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2014. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là nấm rơm muối, nấm rơm đóng lon, ngô non đóng lon, ngô luộc, các loại khoai lang, hành củ, tỏi, gừng, nghệ… Cùng với đó, thị trường Hoa Kỳ cũng đang có xu hướng tăng nhập khẩu các sản phẩm rau tươi, giảm dần các sản phẩm rau đóng hộp từ Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, để mở cửa thị trường tiềm năng này, Việt Nam đã đệ trình danh sách 11 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam lên Cơ quan Kiểm dịch động vật Hoa Kỳ (APHIS). Đến nay, thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng, vải và nhãn của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này. Các sản phẩm xoài, vú sữa… đang trong quyá trình hoàn tất các thủ tục để cấp phép nhập khẩu.
Riêng về thị trường Hàn Quốc, Bộ Công Thương cũng nhận định, đây là thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về kiểm dịch thực vật. Đến nay, Hàn Quốc đã cho phép nhập khẩu thanh long (ruột đỏ và ruột trắng) của Việt Nam. Hiện đang hoàn tất thủ tục cấp phép nhập khẩu cho mặt hàng xoài và tiến hành mở cửa cho mặt hàng vú sữa.
Giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường Hàn Quốc trong 3 tháng đầu năm 2015 đạt 16 triệu USD, tăng 67,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm khoảng 4% tỷ trọng xuất khẩu rau quả. Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc gồm: dứa, thanh long, ớt, tỏi, đậu, dưa chuột, hành tây, hành lá, khoai lang, mứt quả, dưa, nước ép quả, rau đóng hộp…
Một thị trường cũng khá nổi bật và được nhiều người quan tâm đó là Thái Lan. Hiện Thái Lan đang là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 8 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 2,1% xuất khẩu rau quả.
Trong 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 10,3 triệu USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2014. Sản phẩm xuất khẩu sang Thái Lan chủ yếu là ớt, ngô ngọt, dừa (cùi dừa, dừa khô), thanh long, rau gia vị…
Điểm đáng chú ý được Bộ Công Thương đưa ra, Thái Lan là nước có yêu cầu thông thường về kiểm dịch thực vật, nên rau quả Việt Nam chỉ cần được cấp chứng thư kiểm dịch thực vật thì điều được nhập khẩu vào Thái Lan.
Tuy nhiên, Thái Lan lại là nước có điều kiện khí hậu tương tự Việt Nam, nên có nhiều loại trái cây tương tự (xoài, nhãn, măng cụt, sầu riêng…). Điều này khiến sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam, kể cả thị trên thị trường quốc tế và thị trường nội địa lên cao.
Theo Báo điện tử VnMedia