Nhằm thông tin rộng rãi về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua, ngày 3.6, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về nội dung này.
Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán 4 Hiệp định thương mại tự do gồm Hiệp định Việt Nam-EU, Việt Nam-Bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong đó, hiệp định TPP và Việt Nam-EU là hai hiệp định sẽ có tác động kinh tế lớn.
Các hiệp định thương mại này khi được ký kết sẽ là một cú hích quan trọng để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy thương mại với các đối tác, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như: Thủy sản, dệt may, giày dép và một số mặt hàng nông sản khác nhờ tận dụng được chính sách mở cửa từ các thị trường do các FTA mang lại.
Theo báo cáo của Vụ Hợp tác Quốc tế (HTQT): Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại và cũng đang tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại quan trọng khác. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã chủ động hơn khi tham gia các Hiệp định thương mại song phương như FTA với Chile, Nhật Bản. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang xúc tiến đàm phán, ký kết 6 hiệp định song phương và đa phương quan trọng khác như: Hiệp định Việt Nam–EU, Việt Nam–Liên Minh Kinh tế Á-Âu (trước đây gọi là Liên minh Hải quan) gồm Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan (VCUFTA), Việt Nam-Bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bộ Tài chính cũng đã tích cực tham gia đàm phán các FTA trên các lĩnh vực thuế (Tiếp cận thị trường), dịch vụ tài chính (gồm lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán), các dịch vụ khác thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Tài chính (Dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, dịch vụ thẩm định giá, dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử, dịch vụ kinh doanh xổ số, đánh bạc, đặt cược) và tham gia với các bộ chủ quản đối với các nội dung khác như mua sắm Chính phủ, trợ cấp, tín dụng xuất khẩu…
Trong giai đoạn 2015-2018, phần lớn các hiệp định thương mại đã ký kết sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu, đặc biệt là Hiệp định ATIGA, ASEAN - Trung Quốc và ASEAN - Hàn Quốc bước vào thời điểm xóa bỏ thuế quan cuối cùng lần lượt vào 2018, 2020 và 2021. Một số FTA khác như AJCEP, AANZFTA cho thấy Việt Nam còn nhiều cơ hội để thâm nhập và phát triển xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước đối tác. Nhật Bản, Úc và New Zealand là các thị trường mà Việt Nam xuất siêu trong khi Việt Nam chưa đi vào giai đoạn cắt giảm sâu thuế nhập khẩu nhưng các nước đối tác lại có lộ trình xóa bỏ thuế quan ngắn hơn, tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đối với 8 FTA đã ký kết và đang trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư thực hiện Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho từng giai đoạn.
Theo Báo Lao Động