Theo HSBC, sau dệt may, ngành CNTT và viễn thông sẽ đóng góp nhiều thứ hai cho tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn từ năm 2015 - 2030.
Báo cáo Triển vọng kết nối giao thương của Việt Nam do ngân hàng HSBC vừa công bố cho thấy, Việt Nam đang tạo dựng được sự hiện diện, thương hiệu trên thị trường CNTT, viễn thông toàn cầu.
Năm 2014, điện thoại di động và phụ kiện chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi sản phẩm điện tử, máy tính và phụ kiện chiếm 8%, ngành sản xuất sản phẩm điện máy chiếm khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Cả hai ngành xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng mỗi năm khoảng 11% trong giai đoạn 2015 – 2030.
Theo đánh giá, các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ nay đến năm 2030 là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia (tăng trưởng ít nhất 14% mỗi năm).
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì Tập đoàn Samsung đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng của ngành CNTT và viễn thông (Samsung bắt đầu đưa vào hoạt động nhà máy đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2009, đến quý IV/2014 tiếp tục công bố kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sản xuất thiết bị điện tử gia dụng trị giá 600 triệu USD và một nhà máy sản xuất điện thoại di động trị giá 3 tỷ USD). Các tập đoàn khác như LG Electronics, Microsoft cũng đang có các kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.
HSBC đánh giá, các thỏa thuận thương mại với khối ASEAN, Mỹ và châu Âu trong những năm sắp tới sẽ đảm bảo cho Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường cho các ngành xuất khẩu giá trị cao hơn.
Ví dụ, Việt Nam là một trong các thành viên tham gia ký Hiệp định về CNTT (ITA) của WTO và điều đó đã xóa bỏ thuế quan cho khoảng 250 mặt hàng điện máy nằm trong thỏa thuận này.
Trước thực tế trên, theo HSBC, các công ty CNTT và viễn thông có thể tận dụng lợi thế nguồn lao động lớn, chi phí rẻ và được đào tạo tốt tại Việt Nam.
Theo ICTnews