|
Nigeria là thị trường đông dân nhất Châu Phi với gần 180 triệu người và được thiên nhiên ưu đãi với nhiều nguồn tài nguyên quý có trữ lượng lớn, đặc biệt là dầu mỏ, giúp nước này có nền ngoại thương lớn thứ 2 châu Phi, chỉ sau Nam Phi. Đây là một thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu cao với đa dạng chủng loại mặt hàng.
Tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Nigeria
Nigeria là thị trường đông dân nhất Châu Phi với gần 180 triệu người và được thiên nhiên ưu đãi với nhiều nguồn tài nguyên quý có trữ lượng lớn, đặc biệt là dầu mỏ, giúp nước này có nền ngoại thương lớn thứ 2 châu Phi, chỉ sau Nam Phi. Đây là một thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu cao với đa dạng chủng loại mặt hàng.
Giai đoạn 2010 – 2014, GDP của Nigeria tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm. Dự báo Nigeria sẽ duy trì mức tăng trưởng bền vững trong thời gian tới nhờ sự ổn định về kinh tế, chính trị và giá các loại nguyên, nhiên liệu tăng cao. Năm 2014, lạm phát tại nước này đã giảm xuống còn 8,3% so với mức xấp xỉ 13% của năm 2010.
Trong nền kinh tế của Nigeria, ngành nông nghiệp hàng năm chỉ đóng góp khoảng 20% vào GDP nhưng lại sử dụng phần lớn dân cư và sức lao động xã hội của nước này (65-70%). Do năng suất thấp, trình độ tổ chức sản xuất lạc hậu và kỹ thuật canh tác kém vì vậy những năm gần đây, Nigeria đã phải nhập khẩu một lượng lớn lương thực (chủ yếu là gạo và bột mỳ).
Công nghiệp đóng góp khoảng 26% GDP của Nigeria, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến thăm đò và khai thác dầu khí. Hàng năm, xuất khẩu dầu thô của Nigeria chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong khi các ngành công nghiệp sản xuất khác chỉ chiếm khoảng trên 1%. Chính vì vậy Nigeria phải nhập khẩu hầu hết các loại sản phẩm công nghiệp chế tạo và tiêu dùng phục vụ nhu cầu trong nước.
Kim ngạch nhập khẩu bình quân hàng năm giai đoạn 2010-2014 vào khoảng 58,5 tỷ USD/năm, trong đó, năm 2014 đạt xấp xỉ 67 tỷ USD. Dự báo con số này sẽ còn tăng lên trong các năm tới do giá dầu mỏ trên thế giới tăng giúp Nigeria gia tăng nguồn ngoại tệ, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân, ngân sách dành cho nhập khẩu vì thế cũng tăng. Nguồn thu lớn từ dầu mỏ tạo ra khả năng thanh khoản cao cho thị trường Nigeria cộng với nền sản xuất kém phát triển khiến nước này trở thành một trong những thị trường mục tiêu cho hàng hoá xuất khẩu của các nước, chủ yếu là hàng tiêu dùng để phục vụ nhu cầu nội địa.
Tuy nhiên, Nigeria vẫn là một thị trường tương đối mới đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Thời gian qua, đã có hàng trăm lượt thương nhân Nigeria quan tâm và tìm kiếm đối tác cung cấp hàng hoá ở Việt Nam. Hàng hoá Việt Nam được đánh giá chất lượng ổn định và giá cả phải chăng, phù hợp với thị trường nước này. Nhiều thương nhân Nigeria đang coi Việt Nam là thị trường cung cấp hàng hoá thay thế cho Trung Quốc.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nigeria không ngừng tăng trong thời gian qua tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng hai nước.
Trong năm 2014, trao đổi thương mại hai chiều đạt 288,4 triệu USD, tăng 32,41% so với năm 2013. Trong đó, Việt Nam xuất sang Nigeria 189,52 triệu USD, tăng 28,01% so với năm 2013. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (89,78 triệu USD), điện thoại di động và linh kiện (37,29 triệu USD), sản phẩm dệt may (15,8 triệu USD), linh kiện ô tô dưới 12 chỗ (7,95 triệu USD), dược phẩm (4,46 triệu USD)…
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nigeria năm 2014 đạt 98,88 triệu USD, tăng 41,72% so với năm 2013. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm hạt điều (69,99 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ (17,62 triệu USD), khí đốt hóa lỏng (7,44 triệu USD), hàng rau quả (1,96 triệu USD)…
Kim ngạch XNK Việt Nam – Nigeria từ năm 2010 đến năm 2014
Đơn vị: triệu USD
Năm |
Tổng kim ngạch |
Xuất khẩu |
Nhập khẩu |
2010 |
155,6 |
109,55 |
46,05 |
2011 |
187,5 |
70,39 |
117,11 |
2012 |
207,35 |
112,56 |
94,79 |
2013 |
217,81 |
148,04 |
69,77 |
2014 |
288,4 |
189,52 |
98,88 |
QI/2015 |
43,65 |
36,15 |
7,5 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam
Tuy nhiên, trong Quý I năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sang Nigeria chỉ đạt 36,15 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó điện thoại đi động và linh kiện đạt 20,5 triệu USD, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,1 triệu USD, hàng dệt may 1,5 triệu USD, dược phẩm đạt 1,1 triệu USD.
Những mặt hàng mà Việt Nam có khả năng xuất khẩu vào thị trường này: săm lốp các loại, gạo, hàng dệt may, các sản phẩm cao su, thủ công mỹ nghệ, cà phê, chè, vật liệu xây dựng, các sản phẩm nhựa và điện tử. Riêng về gạo, Ni-giê-ri-a là thị trường tiêu thụ lớn với mức nhập khẩu chính thức hàng năm lên tới 1,5-1,7 triệu tấn.
Ngược lại, Việt Nam có thể nhập khẩu một số mặt hàng mà Ni-giê-ri-a có thế mạnh trên cơ sở giá cả và chất lượng hợp lý như nhựa, nguyên liệu, phân bón,... Ni-giê-ri-a cũng là thị trường cung cấp hạt điều thô quan trọng của Việt Nam./.
Theo VietnamExport/Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á
|