Với tổng số vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, tuyến đường dài hơn 660 km sẽ giúp đi từ các tỉnh Tây Nguyên về TP HCM rút ngắn được 3 giờ so với trước đây.
Sáng 11/7, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lễ khánh thành Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước. Dự án có tổng chiều dài 663 km từ Đắk Zôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).
Sau 1,5 năm triển khai xây dựng, toàn bộ tuyến đường đã được đưa vào khai thác sử dụng, về đích trước tiến độ một năm so với dự kiến, tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án này cũng giúp rút ngắn 1/3 thời gian (9 giờ so với 12 giờ trước đây) để đi từ Tây Nguyên đến TP HCM. Theo thiết kế, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, mặt đường rộng 14 m, tốc độ lưu thông đạt 80 km/h, một số đoạn qua đô thị giới hạn tốc độ 60 km/h.
Phát biểu tại buổi lễ, đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên biểu dương các đơn vị thi công đã có những biện pháp đột biến để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng xây dựng đường Hồ Chí Minh giúp công trình về đích sớm một năm so với kế hoạch.
Đại tướng Trần Đại Quang cũng đề nghị Bộ Giao thông sớm nghiên cứu, tìm các giải pháp về nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) về TP Đà Nẵng. "Đoạn đường này đã được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 1 nhưng hiện mặt đường còn hẹp, nhiều đèo dốc quanh co, giao thông đi lại khó khăn gây mất an toàn. Đây vẫn là một điểm nghẽn để phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đường Hồ Chí Minh là tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh Tây Nguyên và giữa Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Trung. Từng được mệnh danh là "con đường đau khổ" vì bị hư hỏng nặng, tuyến đường đã được nêu ra nhiều lần trong các diễn đàn chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải tại Quốc hội.
Đến năm 2013, 419 km trên tuyến này được khởi động đầu tư mở rộng. Ngành giao thông đã huy động xã hội hóa 6.000 tỷ đồng với 5 dự án BOT, chiều dài 208 km. Ngoài ra có 212 km được đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.
Theo VnExpress