Theo UBND TP HCM, các mức phí đề xuất tăng được tính theo giá trị trung bình giữa mức thu cao nhất và mức thu thấp nhất (khu vực I - TP HCM và Hà Nội) quy định tại thông tư 127 (năm 2013) của Bộ Tài chính; riêng đối với xe hoạt động kinh doanh vận tải hành khách công cộng được áp dụng mức thu thấp nhất để khuyến khích gia tăng loại xe này.
UBND TP cho rằng, việc thu lệ phí đăng ký xe phải đảm bảo nguyên tắc không vượt quá mức thu tối đa được quy định tại thông tư 127 của Bộ Tài chính. Đồng thời mức thu này cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân thành phố, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách để trang trải các khoản chi phí có liên quan và góp phần giảm thiểu xe cá nhân, nhưng có khuyến khích đối với phương tiện vận tải công cộng.
UBND TP cũng cho biết, lượng ôtô đăng ký mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng số xe đăng ký mới và số tiền thu về cho ngân sách. Chịu tác động nhiều nhất của việc điều chỉnh là xe máy có giá trị từ 15 đến 40 triệu đồng (chiếm khoảng 80% tổng số xe đăng ký mới và số tiền thu về cho ngân sách).
Trước đây, TP HCM từng đề xuất phương án tăng phí để giảm xe. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, việc này là khó khả thi vì người mua ôtô đa số khá giả, vài triệu đồng với họ chẳng là bao nhiêu. Họ sẵn sàng đóng thuế để mua ôtô, do đó mục tiêu hạn chế xe cá nhân khó hiệu quả.
Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất xe sẽ đưa mức tăng này vào chi phí, khấu hao nên không ảnh hưởng bao nhiêu. Trong khi đó với cá nhân đủ điều kiện thì mức tăng này cũng không đủ tác động đến quyết định mua xe của họ.
TP HCM hiện có hơn nửa triệu ôtô, trong đó gần một nửa là xe con và hơn 6 triệu xe máy. Hạ tầng lại không phát triển theo kịp dẫn đến tình trạng kẹt xe thường xuyên.
Theo VnExpress