Khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc sắp ký kết, dệt may là nhóm hàng chủ lực được đặt nhiều kỳ vọng nhanh chóng chạm đến những đích tăng trưởng xuất khẩu cao.
Tuy nhiên, dệt may Việt Nam, nói đúng hơn là doanh nghiệp dệt may “100% Việt”, có thực sự là “đội quân chủ lực mạnh” hay không, có lẽ cần xem xét lại một chút “thế” và “lực”, cũng để “biết người, biết ta”.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 10,1 tỷ USD, nhưng chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, thua xa mức tăng của các nhóm hàng: Điện thoại và linh kiện (27,1%); điện tử, máy tính và linh kiện (60,4%); giày dép (21,9%); hạt điều (28,4%); túi xách, va li, mũ, ô dù (17,5%)... Một con số thống kê khác: Khu vực FDI chiếm tới 60,6% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu dệt may của doanh nghiệp trong nước ngày càng teo tóp, còn doanh nghiệp FDI không ngừng phình to. Không thể không lo ngại!
Sự lo ngại về “thế” và “lực” của doanh nghiệp dệt may Việt càng tăng lên khi các nhà đầu tư ngoại tăng cường đổ vốn vào lĩnh vực dệt may Việt Nam để đón đầu các hiệp định thương mại tự do trong tương lai gần, hưởng lợi thuế suất 0%, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước.
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong nửa đầu năm 2015, nhiều dòng FDI lớn đã đổ vào sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, ví dụ: Nhà máy sản xuất và gia công các loại sợi của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai có tổng vốn 660 triệu USD; nhà máy sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp tại TP.Hồ Chí Minh của Công ty TNHH Worldon Việt Nam, vốn 300 triệu USD; nhà máy sợi, vải màu Lu Thai Việt Nam tại Tây Ninh vốn đầu tư hơn 160 triệu USD... Cuối tháng 6, tỉnh Bình Dương đã cấp phép cho dự án nhà máy sản xuất xơ, sợi tổng hợp, dệt kim của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam, vốn đầu tư 274 triệu USD...
Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may nội vẫn loay hoay giải bài toán thiếu nguyên liệu, dù có nhiều cố gắng nhưng 60-70% nguyên phụ liệu phải nhập từ Trung Quốc, kiến nghị nhà nước cần có chính sách ưu tiên về lãi suất, thuế, đất đai... để mạnh dạn đầu tư vùng nguyên phụ liệu và… chờ đợi.
Có một chuyên gia kinh tề từng chia sẻ với báo chí: Thuyền ra biển lớn sẽ gặp sóng to, thậm chí có thể bị gãy cột buồm, nhưng gãy cột buồm này phải dựng cột buồm khác, không còn cách nào khác là phải vươn lên mạnh mẽ, tự khẳng định tâm thế, thương hiệu của mình trong “cuộc chơi” toàn cầu.
Theo Báo Công Thương Điện Tử