Ghi nhận những kết quả của Hội nghị Bộ trưởng các nước đàm phán TPP vừa kết thúc hôm thứ Sáu (31/7) ở Hawaii, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Ted Osius nhận xét: "Việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP sẽ giúp quốc gia đạt được mục tiêu hội nhập quốc tế toàn diện. Trong tất cả các nước thành viên, Việt Nam ở vị thế được hưởng lợi nhiều nhất."
Trước đó, một nghiên cứu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cũng chỉ ra, Việt Nam tham gia TPP sẽ thúc đẩy GDP tăng trưởng đáng kể.
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, nhóm các chuyên gia trong nước thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã thực hiện một Báo cáo phân tích định lượng “Đánh giá Tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam: Các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi.”
Với việc sử dụng cơ sở dữ liệu Dự án Phân tích Thương mại Toàn cầu (GTAP 9.0) nhóm tác giả đã tiến hành những thử nghiệm nhằm mô phỏng kịch bản về các tác động kinh tế. Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, Báo cáo cũng cho ra kết quả tương tự, với kết luận: “Việt Nam là quốc gia có được mức thay đổi GDP lớn nhất tính theo phần trăm, tuy nhiên tác động từ AEC chỉ ở mức nhỏ trong khi ảnh hưởng của TPP lên nền kinh tế là lớn hơn nhiều lần.”
Song từ các phân tích theo thành phần tổng cầu, Báo cáo đã chỉ ra một yếu tố đáng lưu ý, mức tăng trưởng của Việt Nam có được nhờ tự do hóa thương mại, chủ yếu lại đến từ những thay đổi trong chi tiêu và đầu tư trở nên lớn hơn so với mức tăng nhập khẩu sau khi thuế quan được cắt giảm.
Cụ thể dưới tác động của TPP, kết quả của mô hình mô phỏng tại Báo cáo cho thấy, Việt Nam sẽ được gia tăng về tiêu dùng và đầu tư, đặc biệt là nhờ những ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, dệt, da giày tăng sản lượng và xuất khẩu. Tuy nhiên, các ngành này đòi hỏi lao động giá rẻ để thu hút đầu tư do đó khi mức lương của Việt Nam tăng lên, những nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ không còn “bám rễ” và có thể sẽ tìm kiếm, lựa chọn các nước khác làm điểm đến mới cho đầu tư. Vì vậy, Việt Nam không nên phụ thuộc vào những ích lợi ngắn hạn mà TPP mang đến, thay vào đó nên tiếp tục và đẩy mạnh những nỗ lực cải cách trong các lĩnh vực trên.
Ghi nhận từ những kinh nghiệm thực tiễn, quá trình hội nhập của Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây đã giúp mang lại cho đất nước tăng trưởng về kinh tế, đầu tư, xuất khẩu và thu nhập. Nhưng khi mức độ mở cửa càng lớn sẽ đồng nghĩa với rủi ro từ bên ngoài càng cao và thậm chí có thể làm tăng thêm những khó khăn trong nội tại.
Tiến sỹ Thành đưa ra một số minh chứng, sự kiện Việt Nam gia nhập WTO cũng đã từng nhận được rất nhiều kỳ vọng lớn lao. Thật sự thì xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đã tăng trưởng mạnh mẽ, song khi nguồn vốn lớn ồ ạt đổ vào Việt Nam đi kèm với chính sách tiền tệ thiếu kinh nghiệm (chính sách quản lý neo tỷ giá với độ mở cao hơn) đã góp phần thổi phồng bong bóng bất động sản và khiến lạm phát hai chữ số trở lại vào năm 2008.
“Sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, các ảnh hưởng kéo dài của khủng hoảng kinh tế thế giới và những yếu kém nội tại kéo dài trong giai đoạn hậu-WTO gióng lên những cảnh báo không nên quá tự mãn với việc ký kết những FTA đầy hứa hẹn như TPP hay ở mức độ thấp hơn như AEC,” ông Thành nói.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị về sự cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai. Hội nhập không đi liền với những cải cách, Việt Nam khó tận dụng được những cơ hội tốt thêm vào đó còn có thể dẫn đến những suy giảm, như trong kim ngạch xuất khẩu đồng thời ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế./.
Theo VIETNAM+