Cụ thể, theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, nếu nhập khẩu ô tô gửi kho ngoại quan để xuất đi nước thứ ba không phải kiểm tra chất lượng; trường hợp đưa vào thị trường nội địa để tiêu thụ thì phải làm thủ tục hải quan và kiểm tra chất lượng.
Về thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm gửi kho ngoại quan, thực phẩm nhập khẩu (thủy sản, sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm) từ nước ngoài gửi kho ngoại quan được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm; trường hợp hàng hóa đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ thì phải đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm.
Các chi cục hải quan quản lý kho ngoại quan trên địa bàn, quản lý hàng hóa lưu giữ trong kho và lưu ý thời hạn của các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện (Giấy phép nhập khẩu, giấy thông báo miễn kiểm tra hoặc giấy thông báo kết quả kiểm tra) vì có thể ảnh hưởng đến môi trường nếu hết thời hạn.
Đối với thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản, doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản gửi kho ngoại quan, hoặc xuất kho ngoại quan ra nước ngoài phải khai báo và làm thủ tục kiểm dịch theo quy định.
Trường hợp hàng hóa từ kho ngoại quan đưa vào thị trường nội địa hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan, cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra thời hạn Giấy chứng nhận kiểm dịch do người khai hải quan đã nộp trước đây khi làm thủ tục nhập khẩu để gửi kho ngoại quan.
Nếu Giấy chứng nhận kiểm dịch còn thời hạn hiệu lực (theo khoản 3 Điều 6 Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT, hoặc khoản 3 Điều 6 Quyết định số 15/VBHN-BNNPTNT năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì không yêu cầu DN phải làm thủ tục kiểm dịch; trường hợp Giấy chứng nhận hết thời hạn hiệu lực thì yêu cầu doanh nghiệp phải khai báo để kiểm dịch hoặc gia hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm dịch.
Theo báo Hải Quan.