Số liệu mới nhất của Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) cho thấy tổng giá trị đầu tư của các dự án được phê duyệt thực hiện tại Campuchia trong nửa đầu năm 2015 đạt hơn 3 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với tổng giá trị đầu tư được duyệt của cả năm 2014.
Cụ thể, theo dữ liệu của CDC, Chính phủ Campuchia đã ký duyệt cho các dự án với tổng giá trị 3.1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, so với tổng giá trị của cả năm 2014 là 1.6 tỷ USD.
Theo đó, Trung Quốc dẫn đầu danh sách về giá trị dự án đăng ký đầu tư, kế tiếp là Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Malaysia và Việt Nam.
Được biết, các lĩnh vực đầu tư chính bao gồm du lịch, công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, CDC đã không công bố các số liệu cụ thể.
Nhà kinh tế độc lập Srey Chanthy cho rằng khi các doanh nghiệp nhận thấy những lợi ích mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sắp tới mang lại thì thị trường lao động rẻ chính là một trong số những điểm hấp dẫn góp phần thu hút nhà đầu tư đến với Campuchia.
Được biết, AEC sẽ ra đời vào cuối năm nay với mục tiêu hội nhập 10 nền kinh tế đa dạng trong khu vực Đông Nam Á, tạo ra một thị trường đồng nhất với 600 triệu dân và GDP khoảng 2.4 nghìn tỷ USD. AEC sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho Campuchia.
Ông Chanthy cũng cho biết thêm không phải tất cả các dự án được phê duyệt đều được triển khai thực hiện.
Ông nhận xét: “Thông thường, việc CDC phê duyệt các dự án đầu tư được đệ trình diễn ra nhanh hơn việc các nhà đầu tư chuẩn bị đầy đủ hồ sơ.
Thế nhưng, số lượng đầu tư thực tế đôi khi lại khác do một số dự án không mang tính khả thi nên nhà đầu tư phải bỏ dở giữa chừng”.
Ông Song Saran, chủ công ty sản xuất gạo Amru Rice, một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất của Campuchia, cho rằng ngành nông nghiệp có rất nhiều tiềm năng để tiếp tục đầu tư nhưng ông cũng nhận xét rằng, đối với nhà đầu trong nước họ lại gặp phải thách thức do không thể có được nguồn vốn rẻ như đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông nói: “Đây chính là mối lo lớn đối với các nhà xay xát và xuất khẩu gạo trong nước. Chúng tôi đã mất đi một số thị phần so với các nhà đầu tư nước ngoài do họ có nhiều mạng lưới tiếp thị, nguồn tài chính và cả kinh nghiệm”.
Liên quan đến đà tăng trưởng kinh tế Campuchia, hồi đầu tháng 7 năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Campuchia sẽ đạt mức tăng trưởng 7% trong năm nay, tương đương đà tăng trưởng ghi nhận trong năm 2014.
Theo IMF, đà tăng này được thúc đẩy nhờ lĩnh vực xây dựng, địa ốc và xuất khẩu hàng may mặc. Trong khi đó, lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ 2.6% vào cuối năm do giá dầu giảm mạnh.
Theo Vietstock